1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ gặp thất bại trong tham vọng vũ khí siêu vượt âm

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ thừa nhận thử nghiệm thất bại tên lửa đẩy để giúp vũ khí siêu vượt âm tăng tốc. Điều này có thể khiến họ trở nên chậm chân hơn Nga -Trung trong cuộc đua chế tạo vũ khí làm thay đổi cuộc chơi.

Mỹ gặp thất bại trong tham vọng vũ khí siêu vượt âm  - 1

Hình ảnh mô phỏng một tên lửa siêu vượt âm của Mỹ (Ảnh: Reuters).

Lầu Năm Góc ngày 21/10 xác nhận đã thử nghiệm thất bại tên lửa đẩy - bộ phận cần thiết để tăng tốc vũ khí lên tốc độ siêu vượt âm, trong cuộc thử nghiệm vào cùng ngày ở khu phức hợp Pacific Spaceport tại Kodiak, Alaska.

Việc thử nghiệm thất bại tên lửa đẩy kéo theo việc Lầu Năm Góc không thể thử được bộ phận lướt siêu vượt âm, một trong những thành phần chủ chốt để phát triển vũ khí siêu vượt âm.

Các phương tiện lướt siêu vượt âm được phóng từ tên lửa đẩy trong tầng khí quyển trước khi nó đạt tới mục tiêu gấp ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh (6.200 km/h).

Các quan chức quân sự Mỹ bắt đầu xem xét lại kết quả vụ thử nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân vì sao phần tên lửa đẩy bị thất bại.

"Các thử nghiệm đều có điểm thành công và không thành công và chúng là xương sống của việc phát triển các công nghệ quan trọng, phức tạp với tốc độ nhanh chóng, như Bộ Quốc phòng đang làm với các công nghệ siêu vượt âm", Trung úy Tim Gorman, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết trong một tuyên bố.

Lầu Năm Góc đã đặt ra mục tiêu phát triển vũ khí siêu vượt âm là một trong những trọng tâm trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang tăng tốc trong cuộc đua để có thể sở hữu những vũ khí có khả năng thay đổi cuộc chơi. Theo giới quan sát, việc Mỹ thử tên lửa đẩy thất bại có thể ảnh hưởng tới tiến độ phát triển vũ khí siêu vượt âm của nước này. Các quan chức Mỹ trước đó từng công khai thừa nhận việc họ đang chậm hơn Nga - Trung trong lĩnh vực này.

Mặc dù vậy, trong một diễn biến khác, hải quân và lục quân Mỹ thông báo họ đã thử nghiệm thành công các nguyên mẫu thành phần cấu thành vũ khí siêu vượt âm hôm 20/10. Các thử nghiệm này cho thấy "công nghệ siêu vượt âm tiên tiến, và các hệ thống nguyên mẫu hoạt động trong môi trường tác chiến thực tế", theo thông báo.

Mỹ đang tiến hành hàng loạt dự án vũ khí siêu vượt âm trong nỗ lực tăng tốc trước các đối thủ Nga - Trung. Do khả năng di chuyển nhanh ấn tượng và khả năng cơ động sau khi được phóng đi, vũ khí siêu vượt âm có thể gây ra thách thức với các lá chắn phòng không đối thủ và mang lại uy lực cho các bên sở hữu chúng.

Hồi tháng 4, chương trình tên lửa siêu vượt âm AGM-183A của không quân Mỹ cũng gặp trở ngại khi họ phóng xịt vũ khí thử nghiệm này từ máy bay B-52.