1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga lần đầu tiên phóng thành công tên lửa siêu vượt âm Zircon từ tàu ngầm

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga thông báo lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa siêu vượt âm Zircon, vũ khí được xem là mạnh "không thể cản phá", từ một tàu ngầm hạt nhân.

Nga lần đầu tiên phóng thành công tên lửa siêu vượt âm Zircon từ tàu ngầm - 1

Tên lửa siêu vượt âm Zircon phóng từ tàu ngầm năng lượng hạt nhân (Ảnh chụp màn hình: Bộ Quốc phòng Nga).

Reuters dẫn thông báo ngày 4/10 của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nước này đã phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon từ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Severodvinsk trên biển Barents. Đây là lần đầu tiên, Nga phóng tên lửa Zircon từ một tàu ngầm và nó đã đánh trúng mục tiêu.

Theo video do Bộ Quốc phòng Nga công bố, vụ thử diễn ra vào ban đêm.

Nga lần đầu tiên phóng thành công tên lửa siêu vượt âm Zircon từ tàu ngầm

Trước đó, Nga đã phóng thử thành công tên lửa Zircon từ một tàu nổi hồi tháng 7. Khi đó, Nga thông báo, tốc độ bay của tên lửa gần chạm tới Mach 7 (8.643 km/h - tức là nhanh gấp 7 lần tốc độ âm thanh).

Nga trong nhiều năm qua đã tuyên bố phát triển hàng loạt vũ khí với công nghệ "đến từ tương lai", trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây leo thang dồn dập.

Tháng 2/2019, Nga tiết lộ tên lửa Zircon có thể đạt tốc độ khoảng Mach 9, với khả năng đánh trúng các mục tiêu ở khoảng cách hơn 1.000 km.

Trong một bài phát biểu năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhắc tới Zircon là một trong những hệ thống chiến lược có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương và đảm bảo khả năng đáp trả của Nga. Với những tính năng vượt trội, Zircon được xem là tên lửa "không thể cản phá" trước các tổ hợp phòng không hiện tại. 

Theo truyền thông Nga, Zircon được thiết kế chống lại các mục tiêu tàu nổi và trên cạn, dự kiến sẽ đi vào sản xuất vào năm 2021 và vào biên chế năm 2022.

Ngoài ra, Moscow cũng từng tuyên bố đang phát triển nhiều vũ khí có khả năng "qua mặt" các hệ thống phòng thủ hiện tại, bao gồm tên lửa liên lục địa Sarmat và tên lửa hành trình Burevestnik.