1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ, EU “tung đòn” trừng phạt Nga vì Ukraine

(Dân trí) - Lầu Năm Góc ngày 3/3 tuyên bố Mỹ đã ngưng mọi hợp tác quân sự, ngưng đàm phán thương mại với Nga do nước này can thiệp quân sự vào Ukraine, trong động thái mới nhất kết hợp cùng EU "tung" một loạt "đòn" trừng phạt Nga.


Mỹ “ra đòn” ngừng hợp tác quân sự với Nga

Mỹ ngừng mọi hợp tác quân sự

“Trước những sự kiện gần đây ở Ukraine, chúng tôi đã ngưng mọi hợp tác quân sự-quân sự giữa Mỹ và Nga”, phát ngôn viên Lầu Năm góc, Phó đô đốc John Kirby, ra tuyên bố cho hay.

Việc ngưng bao gồm “tập trận, gặp gỡ song phương, ghé thăm cảng, các hội nghị dự kiến”, ông Kirby cho biết thêm.

Theo ông Mỹ đang theo dõi sát cuộc khủng hoảng ở Ukraine và kêu gọi “các lực lượng Nga tại Crimea trở lại căn cứ của họ, theo như hiệp ước liên quan đến Hạm đội Hắc Hải Nga”.

Ông Kirby cũng nhấn mạnh các lực lượng Mỹ không thay đổi sự hiện diện của mình ở Biển Đen hay nơi nào khác, nhằm phản ứng với cuộc khủng hoảng.“Không có sự thay đổi nào về vị trí của quân đội chúng tôi ở châu Âu và Địa Trung Hải”, ông khẳng định.

Các lực lượng hải quân tiếp tục thực hiện “các hoạt động, tập trận thường lệ, đã được lên kế hoạch trước với các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Theo các quan chức Mỹ, tàu hải quân duy nhất của Mỹ hiện đang ở Biển Đen là tàu khu trục nhỏ USS Taylor, hiện đang được sửa chữa ở cảng Samsun của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi bị mắc cạn. Chỉ huy tàu đã bị sa thải trong vụ việc.

Các lực lượng Mỹ và Nga đã tổ chức hàng chục sự kiện tập huấn, trao đổi và họp trong năm qua, một phần trong nỗ lực cải thiện quan hệ và giảm thiểu những hiểu lầm có thể xảy ra.

EU, Mỹ cùng hiệp lực “cô lập Nga”

Phát biểu từ phòng bầu Dục ngày 3/3, Tổng thống Obama cũng tuyên bố Mỹ đang chuẩn bị sẵn một loạt biện pháp về kinh tế và ngoại giao nhằm “cô lập” Nga, như ngưng đàm phán thương mại, cấm visa đi lại, phong tỏa các tài sản của giới lãnh đão chính phủ và kinh doanh Nga ở các cơ sở tài chính nước ngoài.

Các nước G7 gồm Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, Ý, Anh và Canada, trước đó, vào tối chủ nhật, cho biết đang ngưng kế hoạch tham gia hội nghị thượng đỉnh G8 ở Sochi, Nga vào tháng 6 tới. Hay nói cách khác, nhóm này gần như đã loại Nga ra khỏi G8 và giờ đây chỉ còn G7.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao châu Âu, sau cuộc họp vào ngày thứ hai ở Brussels, đã cảnh báo về “các biện pháp chủ chốt”, bắt đầu bằng giới hạn visa đi lại đối với công dân Nga và ngưng các cuộc đàm phán về mở rộng đầu tư và thương mại, nếu ông Putin không ra lệnh lực lượng của mình ở Ukraine rút về.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết cho đến một cuộc họp khẩn của lãnh đạo 28 thành viên Liên minh châu Âu vào thứ 5 mà Nga không rút quân khỏi Ukraine thì các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng.

Trong khi đó, Mỹ và châu Âu đã cam kết nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ quốc tế nhằm ổn định chính phủ Ukraine, mà giới phân tích cho rằng đang trên bờ vực vỡ nợ.

Trung Anh

Tổng hợp