1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ đưa lực lượng đặc nhiệm tới Thái Bình Dương đối phó Trung Quốc

(Dân trí) - Lục quân Mỹ sẽ tăng cường nỗ lực để đối phó Trung Quốc bằng việc triển khai một lực lượng đặc nhiệm tới Thái Bình Dương, theo Bloomberg.

Mỹ đưa lực lượng đặc nhiệm tới Thái Bình Dương đối phó Trung Quốc - 1

Binh sĩ Mỹ tham gia cuộc diễn tập với ASEAN năm 2019. (Ảnh: AFP)

Theo Bloomberg, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy trình bày chi tiết về kế hoạch triển khai lực lượng đặc nhiệm tại Thái Bình Dương trong một sự kiện ở Washington hôm nay 10/1. Đơn vị này sẽ được trang bị để tấn công các mục tiêu trên biển và trên đất liền với các vũ khí chính xác tầm xa như tên lửa siêu thanh, để mở đường cho các tàu hải quân trong trường hợp xảy ra xung đột.

Theo Bộ trưởng McCarthy, lực lượng đặc nhiệm của Lục quân Mỹ sẽ giúp vô hiệu hóa một số năng lực mà Trung Quốc và Nga đang sở hữu. Đây cũng là hai nước luôn có ý định đẩy các nhóm tàu sân bay của Mỹ tránh xa lục địa châu Á.

Hiện chưa rõ lực lượng mới sẽ được triển khai nhanh như thế nào, nhưng có khả năng sẽ được đặt tại các đảo phía đông Đài Loan và Philippines.

“Động thái này được thực hiện nhằm vô hiệu hóa mọi sự phong tỏa mà Trung Quốc và Nga đã triển khai”, ông McCarthy cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Lục quân Mỹ, lực lượng mới sẽ được thúc đẩy bởi một thỏa thuận mới với Văn phòng Trinh sát Quốc gia, nơi phát triển và quản lý các vệ tinh do thám của Mỹ. Theo thỏa thuận này, các đơn vị chiến thuật của Lục quân sẽ có khả năng khai thác thông tin tốt hơn từ các vệ tinh quỹ đạo thấp cả ở hiện tại và tương lai.

Việc “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương sẽ giúp Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đạt được mục tiêu lâu dài của Mỹ là chuyển thêm nhiều lực lượng từ châu Âu, Trung Đông và châu Phi sang Thái Bình Dương, tạo vị thế vững chắc hơn cho Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. 

Theo tầm nhìn của Bộ trưởng McCarthy, động thái này sẽ cho phép Lục quân Mỹ tạo ra một hình mẫu mới ở Thái Bình Dương, khi các lực lượng mặt đất cũng có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ của đối phương để tạo điều kiện cho các lực lượng hải quân và không quân.

Bộ trưởng McCarthy cho biết đơn vị đặc nhiệm đồn trú ở các  chuỗi đảo có thể tạo ra sự hỗ trợ tích cực cho lực lượng không quân và hải quân.

Học thuyết quân sự của Trung Quốc thúc đẩy một chiến lược được gọi là chống tiếp cận với sự hậu thuẫn của các tên lửa chống hạm tầm xa và năng lực giám sát trên không gian. Chiến lược này nhằm mục đích giữ cho các nhóm tàu sân bay của Mỹ ở bên ngoài cái gọi là chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai ở Thái Bình Dương. Chuỗi đảo thứ nhất kéo dài từ quần đảo Kuril xuống đảo Borneo, trong khi chuỗi đảo thứ hai kéo dài từ phía đông Nhật Bản đến đảo Guam và kéo xuống New Guinea.

Theo Bộ trưởng McCarthy, chiến lược xoay trục của Mỹ sẽ bao gồm sự tham gia nhiều hơn của Lục quân Mỹ vào các cuộc tập trận như chuỗi tập trận “Người bảo vệ Thái Bình Dương” và triển khai “Lữ đoàn Hỗ trợ Lực lượng An ninh” vào năm tới tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, tương tự các lực lượng từng được thành lập và triển khai ở Afghanistan.

Lục quân Mỹ bắt đầu thử nghiệm hoạt động của lực lượng đặc nhiệm từ năm 2018. Lữ đoàn Pháo binh 17 từ căn cứ Lewis-McChord ở Washington đã tiến hành 9 cuộc tập trận quy mô lớn để đánh giá hoạt động.

Thành Đạt

Theo Bloomberg