Ông Putin: Nga sẽ "để mắt" đến tên lửa Mỹ ở châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương
(Dân trí) - Nga sẽ theo dõi chặt chẽ các hoạt động triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Mỹ ở châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương đặc biệt sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga.
Phát biểu tại cuộc họp thường niên với các quan chức Bộ Quốc phòng Nga ngày 24/12, Tổng thống Vladimir Putin nói, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong năm nay, vì vậy Moscow có lý do để cảnh giác.
"Do vậy, chúng ta phải giám sát chặt chẽ khả năng Mỹ triển khai tên lửa thuộc nhóm này ở các khu vực khác nhau trên thế giới, trước hết là toàn châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương".
Ông Putin cũng nhấn mạnh, cùng với việc theo dõi chặt chẽ các hoạt động triển khai này, Moscow cũng cần "phân tích các mối đe dọa quân sự tiềm tàng và xác định biện pháp sử dụng và củng cố hơn nữa lực lượng".
Tổng thống Putin cho biết, Nga sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới, nhưng nếu thỏa thuận không đạt được, Moscow sẽ tiếp tục phát triển lực lượng hạt nhân.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cũng cho biết, Lầu Năm Góc đã tăng cường năng lực tấn công tên lửa sau khi rút khỏi INF. Quan chức này cho rằng, quân đội Mỹ sẽ sớm có được khả năng triển khai các máy bay ném bom trang bị hạt nhân chỉ trong vòng 24 giờ thay vì 10 ngày như trước kia. Ngoài ra, Mỹ cũng lập các hệ thống radar cảnh báo sớm ở các nước vùng Baltic có thể “quét” không phận Nga trong bán kính 450km.
INF được Nga và Mỹ ký năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500 - 5.500 km.
Vào thời điểm ra đời, hiệp ước INF được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt căng thẳng ở châu Âu, nơi cả Nga và Mỹ cùng triển khai nhiều tên lửa dẫn tới nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Minh Phương
Theo RT