1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ đối mặt với "đại dịch ở những người chưa tiêm vắc xin"

Thanh Thành

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Biden đang đối mặt với thực tế đáng lo ngại là số ca mắc và tử vong do Covid-19 đang tăng lên, trong khi cũng phải giải quyết bài toán thúc đẩy người dân còn e ngại đi tiêm vắc xin.

Mỹ đối mặt với đại dịch ở những người chưa tiêm vắc xin - 1

Người dân xếp hàng tại một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 ở San Francisco, bang California, Mỹ (Ảnh: Getty).

Theo AP, Mỹ đã ghi nhận số ca Covid-19 mới tăng gấp 3 lần trong 3 tuần qua, số ca nhập viện và tử vong cũng tăng lên ở những người chưa tiêm vắc xin. Thực trạng này khiến các quan chức y tế ngày càng lo ngại và cảnh báo rằng, đại dịch tại Mỹ còn lâu mới kết thúc. Dù mọi việc vẫn được kiểm soát tốt hơn rất nhiều so với những đợt bùng phát dịch trước đó, các điểm nóng Covid-19 mới đã xuất hiện trong những tuần gần đây ở các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn lại khác.

"Hãy nhìn xem, đại dịch mà chúng ta đang đối mặt hiện nay là ở những người chưa được tiêm chủng", Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo hôm 16/7, nhắc lại những bình luận của tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Số ca nhiễm virus đã tăng mạnh từ các điểm nóng chiếm hơn 90 triệu người Mỹ trưởng thành chưa tiêm vắc xin. Chỉ riêng 4 bang có tỷ lệ tiêm thấp đã chiếm 40% số ca mới trong tuần trước, và gần một nửa trong số đó đến từ bang Florida.
Theo CDC Mỹ, hơn 99% trường hợp tử vong do Covid-19 và 97% ca nhập viện là ở những người chưa tiêm vắc xin.

Cùng quan điểm này, Giám đốc CDC Walensky hôm 16/7 cũng cho biết, tại các khu vực tiêm chủng thấp, số ca bệnh Covid-19 đang tăng. "Các nhà hoạch định chính sách địa phương có thể cân nhắc liệu việc đeo khẩu trang tại thời điểm này có hữu ích cho cộng đồng của họ hay không", bà nói.

Nhà Trắng dường như không ủng hộ việc trở lại với các quy định bắt buộc đeo khẩu trang hoặc các biện pháp hạn chế khác, vì 161 triệu người Mỹ đã được tiêm đầy đủ.

Trong khi đó, một số khu vực đã hành động. Hạt Los Angeles hôm 15/7 đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở môi trường làm việc trong nhà bất kể tình trạng tiêm vắc xin như thế nào, và các quan chức y tế ở Las Vegas hôm 16/7 khuyến cáo người lao động các nhà máy và du khách tại các điểm du lịch nên đeo khẩu trang.

Với 3 loại vắc xin được phép sử dụng ở Mỹ hiện nay, chính quyền ông Biden tin rằng cách hiệu quả nhất để đánh bại virus là tiêm chủng - điều mà Mỹ đã từng xem nhẹ trong đợt dịch bùng phát hồi năm ngoái.

Nhiều người Mỹ vẫn thờ ơ với vắc xin

Nhưng vấn đề là nhiều người Mỹ vẫn thờ ơ hoặc không có ý định đi tiêm vắc xin, bất chấp những nỗ lực thường xuyên và rất sáng tạo của các giới chức địa phương.

Trong những ngày gần đây, Nhà Trắng đã chuyển trọng tâm sang những người Mỹ trẻ tuổi. Thậm chí, ngôi sao nhạc pop Olivia Rodrigo đã được mời đến thăm Nhà Trắng vào ngày 14/7 để trò chuyện với Tổng thống Biden và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu - tiến sĩ Anthony Fauci, để khuyến khích người trẻ đi tiêm vắc xin.

Những người trẻ là đối tượng ít bị tổn thương nhất do Covid-19 nhưng cũng nằm trong nhóm người ít tiêm chủng nhất. Nhưng còn một nhóm "khổng lồ" khác được xem là một thách thức thậm chí còn khó chịu hơn: các thành viên của đảng Cộng hòa.

Nhà Trắng từ lâu đã thừa nhận rằng, các thông tin sai lệch về vắc xin được lan truyền trên mạng xã hội là một trong những thách thức lớn. Chính nó cùng với chia rẽ đảng phái gay gắt khiến càng gây khó khăn trong việc thuyết phục các thành viên đảng Cộng hòa đi tiêm vắc xin.

Những ngày gần đây, các quan chức chính quyền ông Biden liên tục chỉ trích giới lãnh đạo và các công ty truyền thông xã hội vì đã lan truyền hoặc không lên án các thông tin sai lệch về vắc xin đang lan truyền trong các thành viên đảng Cộng hòa.

"Họ đang giết người", Tổng thống Biden nói vào ngày 16/7 về những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội về Covid-19 và vắc xin, và thậm chí cảnh báo Facebook cần loại bỏ chúng.