1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ lo sốt vó khi "quái vật" Covid-19 bùng phát trở lại

Thành Đạt

(Dân trí) - Mặc dù là nước có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới, song Mỹ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với làn sóng Covid-19 có xu hướng bùng phát trở lại.

Mỹ lo sốt vó khi quái vật Covid-19 bùng phát trở lại - 1

Các bác sĩ tại Houston, Mỹ nỗ lực cứu sống bệnh nhân mắc Covid-19 (Ảnh: SCMP).

Theo phân tích dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận trung bình 19.455 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày trong 7 ngày qua - tăng 47,5% so với tuần trước.

Dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy, số ca nhiễm mới được xác nhận tại Mỹ đã tăng lên mức trung bình khoảng 23.600 ca/ngày hôm 12/7, trong khi trước đó, Mỹ chỉ ghi nhận 11.300 ca vào ngày 23/6. Tất cả các bang, ngoại trừ Maine và Nam Dakota, đều báo cáo số ca mắc Covid-19 tăng trong 2 tuần qua.

Theo New York Post, mặc dù số ca tử vong vì Covid-19 tiếp tục giảm trên toàn quốc, song số ca nhập viện lại tăng lên.

Tổng cộng 43 bang tại Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm so với tuần trước.

Trong 2 tuần qua, các ca nhiễm cũng gia tăng ở một số bang có tỷ lệ tiêm chủng cao, như New York, Vermont và California. Tất cả các bang này đều đã tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 62% dân số trưởng thành.

Tiến sĩ Jennifer Nuzzo tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết sự lây lan ở các bang được tiêm chủng cao là vấn đề "đáng lo ngại".

Theo NPR, một số bang, bao gồm Arkansas, Florida, Iowa, Missouri và Oklahoma, đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng gấp đôi so với một tháng trước.

"Thật không may khi nhìn vào những gì đang xảy ra ở các bang riêng lẻ, tôi lo ngại rằng chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm trên cả nước tăng lên," Tiến sĩ Nuzzo cho biết.

Những con số đáng báo động trên được công bố trong bối cảnh các biến thể có khả năng lây lan nhanh, như chủng Delta, đang bùng phát trên khắp nước Mỹ.

"Sự xuất hiện của biến thể Delta khiến những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp gặp rủi ro rất lớn khi ghi nhận sự gia tăng đáng kể tình trạng lây nhiễm", Tiến sĩ David Rubin, giám đốc trung tâm PolicyLab tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, cảnh báo.

Các lãnh đạo bệnh viện tại Mỹ cho biết đợt gia tăng mới nhất về số bệnh nhân diễn ra khi các nhân viên y tế đã kiệt sức sau trận chiến với virus kéo dài hơn một năm.

Lauren Toman, lãnh đạo bệnh viện ở Houston, Missouri, cho biết cô lo ngại rằng số ca nhiễm tăng lên sẽ "gây áp lực lên mọi bệnh viện ở Missouri". Tình trạng này diễn ra sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ đầu tháng 7 và các cuộc tụ tập đang diễn ra trong mùa hè.

Lauren nói rằng mặc dù cô hiểu tâm lý do dự của một số người dân về việc tiêm chủng vắc xin, nhưng việc thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng cao hơn sẽ là "cách duy nhất để ngăn chặn con quái vật này".

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), 55,6% người Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi Covid-19. 5 bang có số ca nhiễm trên đầu người cao nhất trong 2 tuần đều có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn các bang khác, trong đó Missouri 45,9%; Arkansas 43%; Nevada 50,9%; Louisiana 39,2% và Utah 49,5%.

Vấn đề về giải trình tự gene

Mỹ lo sốt vó khi quái vật Covid-19 bùng phát trở lại - 2

Mỹ là nước có tỷ lệ tiêm chủng cao trên thế giới (Ảnh: Getty).

Theo Financial Times, các nhà khoa học và các phòng thí nghiệm cảnh báo rằng, hệ thống y tế bị phân tán của Mỹ đang cản trở nỗ lực của nước này trong việc giải trình tự gene virus để có thể theo dõi biến thể Delta và các chủng virus tiềm tàng trong tương lai.

Giải trình tự gen là một "vũ khí" quan trọng giúp các quan chức y tế cộng đồng theo dõi các biến thể có khả năng lây lan nhanh chóng như Delta, cũng như hiệu quả của vắc xin chống lại các chủng virus mới.

Tuy nhiên, hệ thống y tế ở Mỹ, vốn được cung cấp thông qua một nhóm các nhà điều hành công lập và tư nhân, thường gặp khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu. Điều này đã khiến năng lực giải trình tự gene của Mỹ bị tụt hậu so với các quốc gia khác có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Bronwyn MacInnis, giám đốc giám sát di truyền học bệnh dịch tại Viện Broad ở Massachusetts, cho biết: "Anh đã thực sự dẫn đầu trong lĩnh vực này từ rất sớm. Trong khi đó, Mỹ không làm điều đó, họ không ưu tiên giải trình tự gene cho đến khi mối đe dọa về các biến thể thực sự xuất hiện vào đầu năm nay".

Trong 30 ngày qua, Mỹ mới giải trình tự gene của 2,8% các ca dương tính Covid-19 và chia sẻ dữ liệu này với GISAID - cơ sở dữ liệu gene hàng đầu thế giới giúp theo dõi các biến thể mới.

Trong khi đó, Anh và Israel, những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao tương tự Mỹ, có tỷ lệ giải trình tự gene cao gấp 3 lần: lần lượt là 9,3% và 8,5%.

Mỹ cũng mất hơn 2 tuần để thêm dữ liệu vào GISAID, so với 9 ngày đối với Anh và 12 ngày đối với Israel.

"Đó vẫn là một thách thức về mặt hậu cần. Với quá nhiều địa điểm và phương pháp xét nghiệm khác nhau, việc giải trình tự gene mẫu bệnh rất khó", Will Lee, phó chủ tịch khoa học tại công ty gene Helix, công ty có hợp đồng với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cho biết.

CDC cho biết họ đã hợp tác với các công ty cung cấp dịch vụ phòng thí nghiệm tư nhận và phòng thí nghiệm trong trường đại học để mở rộng quy mô và tốc độ giải trình tự gene của Mỹ.

"Khi các biến thể bắt đầu xuất hiện, CDC đã thiết lập một phương pháp tiếp cận đa chiều để giám sát bộ gene nhằm theo dõi sự tiến hóa của Sars-Cov-2 và phát hiện các biến thể đang xuất hiện ở Mỹ", CDC cho biết.

"Với chiến lược giám sát hiện tại của chúng tôi, CDC tin rằng các biến thể mới và đang phát triển sẽ được phát hiện trước khi chúng lan rộng", CDC nói thêm.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng cơ sở hạ tầng giải trình tự gene ở Mỹ vẫn còn chậm chạp và quan liêu, khiến nước này phát hiện các biến thể chậm hơn.