1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ dọa “xóa sổ” Triều Tiên nếu bị tấn công hạt nhân

(Dân trí) - Mỹ ngày 2/2 cảnh báo sẽ xóa sổ chính quyền Triều Tiên nếu nước này tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ hoặc các đồng minh của Washington.

Quân đội Triều Tiên tập trận pháo binh (Ảnh: KCNA)
Quân đội Triều Tiên tập trận pháo binh (Ảnh: KCNA)

Theo Yonhap, Mỹ ngày 2/2 đã công bố Báo cáo đánh giá hạt nhân (NPR) dài 74 trang, trong đó đề cập tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Lần đầu ra mắt từ năm 2010, NPR là văn kiện công bố chính sách hạt nhân của Mỹ và ngân sách liên quan dự kiến chi trong từ 5-10 năm tiếp theo.

“Chiến lược răn đe của chúng ta đối với Triều Tiên là xác định rõ rằng bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Triều Tiên nhằm vào Mỹ hoặc các đồng minh và đối tác của Mỹ cũng không thể chấp nhận được và sẽ dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Triều Tiên. Không có kịch bản nào mà chính quyền Kim Jong-un có thể triển khai vũ khí hạt nhân mà vẫn tồn tại”, NPR cho biết.

“Giới chức Triều Tiên khẳng định không từ bỏ vũ khí hạt nhân và Triều Tiên hiện có thể chỉ mất vài tháng nữa trước khi đạt được khả năng tấn công Mỹ bằng các tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân. Những chương trình tên lửa và hạt nhân mở rộng của nước này cho thấy khả năng (Triều Tiên) sử dụng tên lửa hạt nhân phủ đầu nhằm hỗ trợ cho các hoạt động tác chiến thông thường”, báo cáo cho biết thêm.

Ngoài ra, NPR cũng đề cập tới khả năng Triều Tiên bán các vũ khí và công nghệ hạt nhân của nước này cho các quốc gia khác cũng như các thực thể phi nhà nước. Theo báo cáo của Mỹ, chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng gia tăng sức ép lên các quốc gia khác, buộc các nước này phải tự phát triển kho vũ khí hạt nhân để phòng vệ trước nguy cơ tấn công hạt nhân.

Báo cáo khẳng định Mỹ và các nước đồng minh sẽ duy trì năng lực tấn công và phòng thủ để ngăn chặn và đánh bại sức mạnh của tên lửa Triều Tiên.

“Mặc dù các lực lượng tên lửa Triều Tiên ngày càng mở rộng và linh hoạt, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và các đồng minh cũng ngày càng nâng cao năng lực trong việc đối phó với mối đe dọa tên lửa của Bình Nhưỡng. Mỹ cũng đã trang bị hệ thống cảnh báo sớm và năng lực tấn công cần thiết để hạ gục tên lửa Triều Tiên trước khi rời bệ phóng”, NPR khẳng định.

Năm 2017, Triều Tiên đã tiến hành 3 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa có khả năng bắn tới lục địa Mỹ. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch và có thể gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa. Đây được xem là thách thức không nhỏ đối với an ninh của Mỹ.

Lên tiếng về lễ duyệt binh

Theo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, lễ diễu binh diễn ra vào tuần sau của quân đội nước này không phải hành động khiêu khích quân sự trước thềm Thế vận hội mùa Đông do Hàn Quốc đăng cai. Bình Nhưỡng dự kiến tổ chức lễ diễu binh vào ngày 8/2, tức chỉ một ngày trước khi Thế vận hội khai mạc.

Báo Triều Tiên cho biết “không ai có quyền lên tiếng” về sự kiện kỷ niệm ngày thành lập quân đội của Triều Tiên. Trước đó, Bình Nhưỡng bất ngờ thông báo đổi ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) từ 25/4 sang 8/2. Động thái này khiến nhiều người hoài nghi rằng lễ diễu binh của Triều Tiên có thể dẫn tới các hành động khiêu khích quân sự và làm xấu đi tiến trình hòa giải đang diễn ra giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

“Đây là một truyền thống và là điều rất bình thường khi bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều coi trọng ngày thành lập quân đội và tổ chức kỷ niệm bằng những sự kiện quy mô lớn”, Rodong Sinmun nhấn mạnh.

Theo 38 North, trang mạng chuyên theo dõi tin tức về Triều Tiên, các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy các binh sĩ và khí tài quân sự tập trung ở căn cứ huấn luyện diễu hành Mirim - nơi gần như không có bất kỳ hoạt động nào từ tháng 11/2017. Một quan chức Hàn Quốc tiết lộ “khoảng 13.000 binh sĩ và 200 khí tài đã được phát hiện” tại Mirim.

Thành Đạt

Theo Yonhap