1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ bác bỏ kế hoạch "đấm chảy máu mũi" Triều Tiên

(Dân trí) - Washington ngày 2/2 bác bỏ thông tin nói rằng đang cân nhắc một cuộc tấn công hạn chế chống lại Triều Tiên mà không gây ra một cuộc chiến tranh rộng lớn - khái niệm được biết đến là chiến lược "chảy máu mũi".


Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ mọi phương án đối phó Triều Tiên. (Ảnh minh họa: Getty)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ mọi phương án đối phó Triều Tiên. (Ảnh minh họa: Getty)

Yonhap ngày 2/2 dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ với báo giới khẳng định thuật ngữ "chảy máu mũi" chưa bao giờ được sử dụng trong nội bộ Nhà Trắng hay bất cứ đâu trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên với thông tin truyền thông vài tuần gần đây đề cập đến một chiến lược gọi là đấm chảy máu mũi. Tôi và các đồng nghiệp của tôi, từ thấp đến cao, thậm chí đến sáng nay vẫn thắc mắc cụm từ này từ đâu ra, bởi vì chúng tôi chưa từng sử dụng nó", quan chức trên cho biết.

Bình luận của quan chức trên được đưa ra giữa lúc có nhiều đồn đoán về khả năng Mỹ sắp tiến hành một cuộc tấn công quân sự hạn chế nhằm vào cơ sở hạ tầng phục vụ tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Theo truyền thông, chiến lược "chảy máu mũi" nhằm phô trương sức mạnh của Mỹ với Triều Tiên mà không gây ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn.

Những đồn đoán này càng có cơ sở hơn khi trong tuần này chính quyền của Tổng thống Trump bất ngờ hủy đề cử chức Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc cho ông Victor Cha, người kịch liệt phản đối chiến lược gọi là "chảy máu mũi" nhằm vào Triều Tiên.

"Cách đây vài tháng, Tổng thống đã chỉ thị cho chúng tôi xem xét hàng loạt phương án đối phó với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Đến nay, chỉ thị này vẫn còn hiệu lực. Các phương án được xem xét bao gồm cả phương án quân sự và phi quân sự. Mỗi phương án lại có nhiều phương án nhỏ khác để Hội đồng an ninh quốc gia, trong đó có Cố vấn an ninh H.R McMaster có thể trình nhiều phương án khác nhau lên Tổng thống khi cần thiết", quan chức Mỹ cho biết.

Khi được các phóng viên đề nghị nói rõ hơn về phương án tấn công quân sự hạn chế nhằm vào Triều Tiên, quan chức này từ chối nêu cụ thể. "Chỉ thị của Tổng thống là gây sức ép tối đa lên Triều Tiên. Đó là chiến lược mà chính quyền chỉ thị và cũng là chiến lược chung cho cả thế giới", ông nói.

Trong khi tình hình bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu lắng xuống với việc Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí hợp tác trong dịp Thế vận hội mùa Đông, Mỹ và Triều Tiên vẫn chỉ trích qua lại lẫn nhau.

Tổng thống Trump ngày 2/2 đã tiếp đón 8 người Triều Tiên đào tẩu tại Nhà Trắng trong một động thái được cho là nhằm gây sức ép lên chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Minh Phương

Theo Yonhap

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm