1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ "đo ni đóng giày" tiêm kích thế hệ thứ 6 uy lực đối phó Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ đã hé lộ những tính năng mới nhất của dòng tiêm kích thế hệ 6 mà Washington đang phát triển, cho thấy họ dường như chế tạo biến thể máy bay chiến đấu uy lực để nhằm đối phó riêng với Trung Quốc.

Mỹ đo ni đóng giày tiêm kích thế hệ thứ 6 uy lực đối phó Trung Quốc - 1

Một mô hình đồ họa của tiêm kích thế hệ 6 NGAD của Mỹ (Ảnh: Lockheed).

Eurasian Times dẫn phát biểu của Tư lệnh không quân Mỹ Charles Q. Brown tại Hạ viện cho hay, tiêm kích tương lai của Washington "sẽ được tăng khả năng mang vũ khí và tăng tầm hoạt động" so với máy bay chiến đấu F-22, nhằm thực hiện các nhiệm vụ tầm xa ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Giới quan sát nhận định, bình luận của ông Brown dường như hé lộ rằng dự án chế tạo tiêm kích thống lĩnh trên không thế hệ kế tiếp (NGAD) sẽ sản xuất một biến thể riêng nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc ở khu vực.  

Với dự án tiêm kích thế hệ 6 NGAD, mục tiêu của Mỹ là nhằm tạo ra các vũ khí có thể đạt ưu thế trên không khi tác chiến. NGAD sẽ được trang bị công nghệ động cơ, tàng hình và vũ khí tiên tiến để trở thành một tiêm kích đa năng.

Tướng Brown cho biết, Mỹ coi tính năng "chiếm ưu thế trên không" là đặc điểm nổi trội của NGAD nhưng cũng muốn tiêm kích này sẽ tấn công được các mục tiêu trên mặt đất. Ngoài ra, Mỹ kỳ vọng NGAD sẽ trở thành một máy bay chiến đấu tiên tiến, sở hữu "những cải tiến về khả năng sống sót khi tác chiến, khả năng gây sát thương và sự bền bỉ trong các hoạt động quân sự".

Hồi tháng 9 năm ngoái, một số nguồn tin cho hay, Mỹ đã bắt đầu cho bay thử nguyên mẫu của NGAD. Cho tới nay, Washington vẫn khá kín tiếng về dự án này. Trước đó, một số quan chức Mỹ tiết lộ, NGAD được cho sẽ sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) làm phi công phụ lái, công nghệ hỗ trợ phi công điều khiển đưa ra quyết định trong những thời khắc quyết định.

Khi Mỹ chuyển trọng tâm sang Ấn Độ-Thái Bình Dương, các tiêm kích của họ hiện vẫn đang có tầm hoạt động giới hạn, dẫn tới việc phải tiếp dầu trên không. Hoạt động này vừa tốn kém lại vừa đối diện với rủi ro máy bay bị bắn rơi.

So với các tiêm kích hiện tại của Mỹ, NGAD dự kiến sẽ có khung máy bay lớn hơn, nhằm giúp nó có nhiều khoảng trống trong khoang vũ khí và khoang nhiên liệu rộng hơn.

Tạp chí Air Force dẫn lời tướng về hưu Mỹ James M. Holmes nhận định, Mỹ có thể phát triển 2 biến thể của NGAD: Một với tầm hoạt động xa và khả năng mang nhiều vũ khí để hoạt động ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, hai là biến thể với tầm hoạt động ngắn hơn để hoạt động ở châu Âu.