1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ tiết lộ tính năng "khủng" trên máy bay chiến đấu thế hệ 6

Đức Hoàng

(Dân trí) - Máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Mỹ được cho sẽ sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) làm phi công phụ lái, công nghệ hỗ trợ phi công điều khiển đưa ra quyết định trong những thời khắc quyết định.

Mỹ tiết lộ tính năng khủng trên máy bay chiến đấu thế hệ 6 - 1

Mô hình thiết kế của máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Mỹ (Ảnh: Không quân Mỹ)

Popular Mechanics đưa tin, Will Roper, Trợ lý Bộ trưởng Không quân về mua sắm thiết bị công nghệ và hậu cần Mỹ đã tiết lộ về tính năng trên. Trước đó, hồi tháng 9, ông Roper từng gây bất ngờ cho giới quan sát khi tiết lộ về sự tồn tại của dự án bí ẩn nhằm chế tạo tiêm kích thống lĩnh trên không thế hệ kế tiếp (NGAD).

Không quân Mỹ tỏ ra rất kín tiếng về dự án máy bay chiến đấu thế hệ 6, chỉ xác nhận rằng nó có tồn tại. Gần đây, ông Roper mới tiết lộ về tính năng đặc biệt: sử dụng phi công lái phụ là AI, có thể với công nghệ mang tên ARTUμ.

Tuần trước, Mỹ tiết lộ việc đưa AI làm phi công phụ lái trên máy bay trinh sát U-2, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử trí tuệ nhân tạo tham gia điều khiển một hệ thống quân sự của Mỹ.

Trong bài thử nghiệm được giới quan sát gọi là "đột phá", AI đảm nhận chức năng điều hướng chiến thuật và cảm biến để tìm kiếm các phương tiện phóng, trong khi phi công người thật nhận nhiệm vụ truy dò máy bay đối thủ.

Phương pháp tác chiến hiện đại trên không đang ngày càng trở nên phức tạp. Các phi công phải đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ và để mắt tới hàng loạt chỉ số và các hệ thống radar, cảm biến để có thể đưa ra quyết định chính xác vào tình huống nguy cấp.

Một phi công phụ lái sử dụng AI có thể chia sẻ các nhiệm vụ với phi công người thật từ hệ thống truyền thông, hệ thống kiểm soát mối đe dọa, an ninh mạng, và hệ thống định hướng. Ví dụ, ARTUμ trên U-2 có khả năng truy dò các bệ phóng tên lửa hiệu quả, giảm bớt gánh nặng cho phi công.

Hồi tháng 9, Không quân Mỹ tiết lộ rằng, mục đích của chương trình NGAD là phát triển một máy bay chiến đấu tiên tiến, sở hữu "những cải tiến về khả năng sống sót khi tác chiến, khả năng gây sát thương và sự bền bỉ trong các hoạt động quân sự".

NGAD được phát triển và thử nghiệm chỉ trong vòng 1 năm, khoảng thời gian mà ông Roper mô tả là "kỷ lục".

"Chúng tôi đã sẵn sàng phát triển một máy bay chiến đấu thế hệ mới theo cách chưa từng có", ông Roper nói hồi tháng 9.