1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ điều hỏa thần HIMARS tham gia tập trận sát biên giới Nga

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Quân đội Mỹ sẽ cử 2 hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS tới tham gia một cuộc tập trận tại Latvia.

Mỹ điều hỏa thần HIMARS tham gia tập trận sát biên giới Nga - 1
Các pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ sản xuất khai hỏa (Ảnh: Sputnik).

Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu hôm 25/9 tuyên bố quân đội nước này sẽ cử 2 hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS cùng hàng chục binh sĩ tới Latvia để tham dự một cuộc tập trận chung của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Cuộc tập trận có tên gọi NAMEJS được tổ chức từ ngày 5/9 đến 9/10. Hai tổ hợp HIMARS của Mỹ sẽ tham gia vào các bài huấn luyện tác chiến trong 2 ngày 26 và 27/9.

"NAMEJS được thiết kế nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, kiểm tra khả năng hiện đại hóa và tương tác thông qua các hoạt động huấn luyện của quân đội Mỹ ở châu Âu trong việc triển khai nhanh chóng các đòn tấn công chính xác tầm xa và phối hợp với các đồng minh cũng như đối tác của chúng tôi", tuyên bố của quân đội Mỹ cho hay.

Bên cạnh cuộc tập trận NAMEJS, NATO cũng đang lên kế hoạch triển khai một cuộc diễn tập với tên gọi "Mũi tên bạc", trong đó khoảng 4.200 binh sĩ đến từ hơn 17 quốc gia sẽ tham gia vào các bài huấn luyện nhằm "tăng cường khả năng chiến đấu cơ động của lục quân và không quân".

HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270 của Mỹ. Mỗi hệ thống HIMARS được biên chế kíp vận hành 3 người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227mm với tầm bắn 70-80km hoặc một tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 300km.

Mỹ điều hỏa thần HIMARS tham gia tập trận sát biên giới Nga - 2
Pháo phản lực HIMARS tập kết tại một địa điểm ở gần khu vực Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine (Ảnh: Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine).

Quân đội Ukraine khẳng định các pháo phản lực HIMARS được Mỹ viện trợ đã đóng vai trò quan trọng trong những đòn phản công của lực lượng này trong thời gian qua cũng như góp phần hạn chế sự áp đảo hỏa lực của pháo binh và tên lửa Nga.

Theo ông Bohdan Dmytruk, một tiểu đoàn trưởng trong Lữ đoàn cơ giới số 93 của Ukraine, kể từ khi HIMARS do Mỹ viện trợ bắt đầu tấn công vào các kho đạn của Moscow trong khu vực, nhịp độ pháo kích của Moscow "giảm 10 lần" so với trước đó.

Tính đến thời điểm hiện tại, 16 tổ hợp HIMARS đã được Washington D.C gửi cho Kiev. Mặc dù vậy, chính phủ Ukraine nhiều lần cho biết họ cần hàng chục, thậm chí hàng trăm hệ thống HIMARS để tạo bước ngoặt trên chiến trường.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, các vũ khí tinh vi như HIMARS không phải là dòng khí tài "cứ mở hộp là lấy ra dùng được ngay". Do đó, việc huấn luyện kỹ lưỡng cho binh sĩ Ukraine trong việc sử dụng HIMARS phải là ưu tiên hàng đầu trong thời điểm này. Cho tới nay, khoảng 200 quân nhân Ukraine được đào tạo ở nước ngoài về cách sử dụng và bảo trì HIMARS.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine