Mỹ điều dàn chiến hạm "khủng" theo dõi tàu ngầm Trung Quốc
(Dân trí) - Mỹ điều hàng loạt tàu khu trục tốt nhất trong kho vũ khí tới Nhật Bản dường như làm nhiệm vụ theo sát tàu ngầm Trung Quốc, động thái cho thấy họ dường như đang đổi chiến lược ở châu Á.
Vào tháng 3, Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản lần đầu tiên tiến hành một cuộc diễn tập phóng ngư lôi ở Vịnh Tokyo. Từ trên không, một trực thăng MH-60R đã phóng ngư lôi huấn luyện không có đầu đạn xuống vùng biển Nhật Bản, mô phỏng một cuộc tấn công nhằm vào tàu ngầm.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Hải quân Mỹ cải tổ hạm đội đóng ở Nhật Bản, khi đưa các tàu mới hơn và có uy lực hơn đến gần eo biển Đài Loan, động thái được xem là gia tăng hoạt động theo sát đối thủ trong khu vực như Nga và Trung Quốc.
Từ mùa hè năm ngoái, 5 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Mỹ đã đến Yokosuka - cơ sở hải quân lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Chúng đã thay thế cho các tàu như USS John S. McCain và USS Curtis Wilbur, đã được Washington triển khai tới Nhật Bản trong hàng chục năm qua.
Theo Nikkei, các tàu trước đó của Mỹ tập trung vào nhiệm vụ phòng thủ tên lửa đạn đạo và được xem là nhằm đối phó với mối đe dọa tiềm tàng từ Triều Tiên. Tuy nhiên, các tàu mới hơn dự kiến sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ. Chúng có thể tham gia vào cuộc chiến phòng không chống lại các máy bay chiến đấu tiên tiến của đối thủ, bám theo tàu ngầm và phòng thủ trước các tên lửa hành trình chống hạm mới nhất, đồng thời bảo vệ trước nguy cơ tên lửa đạn đạo.
Bốn trong số các tàu khu trục mới được trang bị nhà chứa máy bay trực thăng. Chúng có thể chứa MH-60R giống như những chiếc được sử dụng trong cuộc tập trận phóng ngư lôi hồi tháng 3. Được trang bị nhiều loại radar, ngư lôi và tên lửa chống hạm, MH-60R có thể tìm, theo dõi và tiêu diệt mọi mối đe dọa hiện đại dưới mặt biển. Nó được coi là vũ khí để săn tàu ngầm đối phương, và dự kiến sẽ là một phần quan trọng trong các hoạt động của Hải quân Mỹ nhằm đối phó với các đối thủ mạnh như Trung Quốc và Nga, Nikkei dẫn lời giới quan sát, nhận định.
Trung tá Mark Langford, một quan chức thuộc Hạm đội 7 Mỹ, cho biết: "Các tàu khu trục Flight IIA của Hải quân Mỹ, với trực thăng và phi hành đoàn, đã mở rộng đáng kể phạm vi và khả năng của tác chiến chống tàu ngầm trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi có thể chở trực thăng đến những khu vực ngoài tầm hoạt động".
Trong số các tàu mới được triển khai ở Yokosuka, USS Howard, USS Dewey, USS Ralph Johnson và USS Rafael Peralta là phiên bản Flight IIA. Chúng được trang bị 2 nhà chứa có thể chứa cả biến thể MH-60, thiết bị hỗ trợ, bộ phận sửa chữa và phòng chứa. Các tàu đã bổ sung thêm chỗ ở cho nhóm tác chiến đường không.
"Một điểm khác biệt chính giữa các tàu lớp Arleigh Burke trước đó và các tàu Flight IIA gần đây hơn là nhà chứa máy bay trực thăng. Mặc dù các tàu trước đó cũng có bãi đáp trực thăng và có thể tiếp nhiên liệu cho trực thăng, nhưng chúng không thể cho trực thăng đáp trong một thời gian dài", một nhà phân tích hải quân Mỹ nói với Nikkei.
Với 13 tàu chiến Mỹ, Yokosuka được coi là một trong những căn cứ chiến lược quan trọng nhất của quân đội Washington. Tầm quan trọng của nó đã tăng lên dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi Mỹ coi Trung Quốc là "mối đe dọa gia tăng" trong bối cảnh Washington nhiều lần quan ngại Bắc Kinh có thể dùng biện pháp quân sự để thống nhất Đài Loan - hòn đảo mà Trung Quốc coi là lãnh thổ không thể tách rời.