1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ đánh giá mối đe dọa từ Wagner

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ đang theo sát những động thái của Wagner ở Belarus và cam kết bảo vệ các đồng minh NATO trước các mối đe dọa từ lực lượng này.

Mỹ đánh giá mối đe dọa từ Wagner - 1

Lính Wagner huấn luyện cho binh sĩ Belarus (Ảnh: Reuters).

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, Washington không coi sự hiện diện của Wagner ở Belarus là mối đe dọa với Ba Lan hay bất cứ thành viên nào khác của NATO.

"Chúng tôi không nhận thấy mối đe dọa cụ thể nào từ Wagner đối với Ba Lan hoặc bất kỳ đồng minh NATO khác", ông Kirby nói, đồng thời nhấn mạnh Mỹ tiếp tục theo dõi sát tình hình.

Ông cho biết thêm: "Tất nhiên, chúng tôi cam kết thực hiện Điều 5 Hiệp ước NATO và cam kết bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ NATO. Hiện không có bằng chứng cho thấy Wagner gây ra mối đe dọa như vậy đối với liên minh".

Điều 5 trong Hiến chương NATO nêu rõ, bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một hoặc nhiều quốc gia thành viên NATO sẽ bị coi là chống lại toàn bộ liên minh quân sự gồm 31 thành viên do Mỹ dẫn dắt. Điều khoản phòng thủ tập thể của NATO mới chỉ được kích hoạt một lần, sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ vào ngày 11/9/2001. Các lực lượng của NATO sau đó đã được triển khai tới Afghanistan.

Theo ông Kirby, sau vụ nổi loạn bất thành ở Nga hồi cuối tháng 6, Wagner đã chuyển một phần lực lượng đến châu Phi, một phần vẫn ở lại chiến trường Ukraine và phần còn lại đến Belarus.

Bình luận của ông Kirby được đưa ra trong bối cảnh Ba Lan, một thành viên NATO, lo ngại về sự hiện diện của Wagner ở Belarus. Sau vụ nổi loạn bất thành ở Nga hồi cuối tháng 6, ông trùm Wagner đồng ý chuyển đến Belarus. Theo các nguồn thạo tin, Wagner đã đưa hàng nghìn lính đánh thuê tới Belarus, quốc gia có chung biên giới với cả Ba Lan và Ukraine.

Tuần trước, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cảnh báo tình hình có thể trở nên nguy hiểm hơn khi Wagner dường như đã đưa khoảng 100 quân đến khu vực Hành lang Suwałki. Suwałki được xem một "tử huyệt" của khối NATO, vì nó có một đầu giáp với vùng Kaliningrad, lãnh thổ của Nga ở vùng Baltic, trong khi đầu còn lại giáp với Belarus.

Ba Lan đã triển khai thêm 1.000 binh sĩ đến biên giới với Belarus để tăng cường an ninh. Nước này cũng có kế hoạch tăng gấp đôi quy mô quân đội từ 172.000 lên 300.000 người.

Michal Kaminski, quan chức cấp cao tại Thượng viện Ba Lan, hôm 31/7 cảnh báo bất cứ thành viên Wagner nào vượt qua biên giới Belarus vào Ba Lan đều sẽ bị lực lượng quân sự nước này và Mỹ đáp trả.

"Tôi muốn nhắc lại rằng chúng tôi có binh lính và sĩ quan Mỹ ở Ba Lan. Hãy để Wagner tiến vào. Họ sẽ phải đối mặt với không chỉ lực lượng phòng vệ của Ba Lan mà còn của Mỹ", ông Kaminsky nói.

Tuy nhiên, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko khẳng định, Belarus cũng như Wagner không có ý định tấn công Ba Lan dù trước đó ông nói Wagner muốn tiến tới Warsaw và Rzeszow, thành phố của Ba Lan cách biên giới với Ukraine chưa đầy 100km.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Nhóm Wagner nổi loạn