1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Biden gửi "tối hậu thư" cho Israel về căng thẳng Trung Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Israel "đừng trông chờ Washington hỗ trợ" nếu tiếp tục leo thang căng thẳng.

Tổng thống Biden gửi tối hậu thư cho Israel về căng thẳng Trung Đông - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: Reuters).

Axios dẫn nguồn tin chính phủ Mỹ cho biết, Tổng thống Joe Biden "đã đưa ra yêu cầu riêng trong cuộc điện đàm cứng rắn" với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 1/8 rằng, Israel phải "ngừng leo thang căng thẳng trong khu vực và ngay lập tức tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn và con tin ở Gaza" với phong trào Hamas.

Các nguồn tin cho biết, Tổng thống Biden và các trợ lý hàng đầu của ông "vô cùng thất vọng về hậu quả" sau vụ ám sát thủ lĩnh Ismail Haniyeh của Hamas ở Tehran, Iran và thủ lĩnh quân sự Fuad Shukr của Hezbollah ở Beirut, Li Băng.

Theo Axios, các quan chức Mỹ "không thương tiếc" trước sự ra đi của những thủ lĩnh này, nhưng "nhận thấy ông Netanyahu đã giấu ông Biden về kế hoạch thực hiện các vụ ám sát". Nguồn tin tiết lộ, trong cuộc trao đổi qua điện thoại, Tổng thống Biden đã bày tỏ sự không hài lòng với chính sách hiện tại của Israel.

"Ông Biden nói với ông Netanyahu rằng Mỹ sẽ giúp Israel đánh bại một cuộc tấn công của Iran, nhưng sau đó ông mong rằng sẽ không có thêm sự leo thang nào nữa từ phía Israel và sẽ ngay lập tức tiến tới một thỏa thuận về con tin", Axios đưa tin.

Theo Axios, "ông Biden cũng cảnh báo ông Netanyahu rằng nếu ông tiếp tục leo thang căng thẳng, ông đừng trông chờ Mỹ trợ giúp".

Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh ngày 2/8 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nói chuyện với người đồng cấp Israel Yoav Gallant và thông báo "các biện pháp bổ sung gồm những thay đổi về tình hình lực lượng phòng thủ hiện tại và trong tương lai của Mỹ nhằm hỗ trợ Israel phòng thủ".

Bà Singh cho hay, có thể có thêm quân đội Mỹ tiến vào khu vực để giúp củng cố lực lượng Mỹ ở đó nhưng từ chối nêu rõ các khả năng hoặc đơn vị cụ thể sẽ được triển khai.

Một quan chức Mỹ tiết lộ, các lực lượng bổ sung có thể sẽ bao gồm nhiều hệ thống phòng không hơn để giúp bảo vệ quân đội Israel và Mỹ khỏi một cuộc tấn công tiềm tàng của Iran.

Mỹ đã có sẵn một số lực lượng hải quân trong khu vực, bao gồm một nhóm tàu sân bay tấn công ở Vịnh Oman và các tàu tấn công đổ bộ cùng tàu khu trục ở phía đông Địa Trung Hải.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh cho nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln thay thế nhóm hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đang hoạt động ở Vịnh Oman.

Ngoài ra, các tàu khu trục và tàu tuần dương có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo cũng sẽ được điều tới Trung Đông và Địa Trung Hải.

Lầu Năm Góc không nêu rõ tàu chiến nào đã được điều động, nhưng 2 tàu khu trục của Mỹ ở phía đông biển Địa Trung Hải đã tham gia ngăn chặn hàng loạt cuộc tấn công mà Iran tiến hành nhằm vào Israel hồi tháng 4.

Bà Singh cho biết, Bộ trưởng Austin cũng ra lệnh triển khai một phi đội máy bay chiến đấu tới khu vực.

Mỹ đã có tàu tấn công đổ bộ USS Wasp trong khu vực, hoạt động cùng Đơn vị viễn chinh thủy quân lục chiến số 24, có khả năng thực hiện sơ tán công dân Mỹ ở Li Băng nếu có lệnh.

Căng thẳng ở Trung Đông có chiều hướng leo thang kể từ khi xung đột Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza nổ ra hồi tháng 10 năm ngoái. Gần đây, khu vực này tiếp tục rúng động bởi một số vụ ám sát nhằm vào thủ lĩnh các phong trào thân Iran như Hamas, Hezbollah.

Thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát hôm 31/7 khi đến Tehran để dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran. Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ ám sát và tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ. Israel không bình luận chính thức về vụ việc.

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei được cho là đã lệnh cho quân đội tấn công lãnh thổ Israel để trả đũa.

Theo Tass