1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ có thể tiếp cận các cảng, sân bay tại Papua New Guinea

Thanh Thành

(Dân trí) - Mỹ và Papua New Guinea đang hướng đến việc ký kết một thỏa thuận hợp tác quốc phòng trong tháng này, có khả năng cho phép Lầu Năm Góc tiếp cận các sân bay và cảng biển tại đây.

Mỹ có thể tiếp cận các cảng, sân bay tại Papua New Guinea - 1

Các máy bay của không quân Mỹ tiếp nhiên liệu trên đảo Wake ở phía tây Thái Bình Dương (Ảnh: Không quân Mỹ).

Theo các nguồn tin thân cận, thỏa thuận này có thể cho phép Mỹ sử dụng các cơ sở hạ tầng, vùng đất, vùng nước tại Papua New Guinea, giữa lúc Mỹ và Trung Quốc chạy đua giành ảnh hưởng xuyên Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tới Papua New Guinea sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 từ ngày 19- 21/5 tại Hiroshima, Nhật Bản, mặc dù kế hoạch của ông có thể thay đổi tùy thuộc vào tiến trình đàm phán trần nợ ở quê nhà.

Tổng thống Biden dự kiến gặp Thủ tướng Papua New Guinea James Marape và các nhà lãnh đạo khác của các đảo Thái Bình Dương.

"Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các cách tăng cường hợp tác trong các thách thức quan trọng đối với khu vực và Mỹ như chống biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên biển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết.

Ông Biden sẽ trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm Papua New Guinea vào thời điểm chính quyền của ông đang tăng cường hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương. Thỏa thuận hợp tác quốc phòng dự kiến được hai bên ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm này.

Mỹ có thể tiếp cận các cảng, sân bay tại Papua New Guinea - 2

Papua New Guinea có vị trí quan trọng ở Thái Bình Dương (Ảnh: Britannica).

Theo các nguồn tin, những địa điểm tiềm năng đang được thảo luận phía Mỹ và Papua New Guinea thảo luận gồm sân bay Momote, sân bay quốc tế Jacksons, sân bay Nadzab, căn cứ hải quân Lombrum, cảng biển Lae và cảng Moresby.

Mỹ sẽ bố trí sẵn các trang thiết bị, nhiên liệu, phụ tùng thay thế để các cơ sở tại Papua New Guinea có thể đóng vai trò trung tâm bảo dưỡng, tiếp tế cho máy bay và tàu quân sự trong những tình huống bất ngờ.

Lầu Năm Góc có khả năng sẽ xây dựng thêm nhiều cơ sở hạ tầng tại các địa điểm được hai bên nhất trí.

Mỹ cũng đặt mục tiêu tiến hành huấn luyện và tập trận chung để củng cố năng lực của Papua New Guinea. Vào năm 2020, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Wisconsin của Mỹ bắt đầu chương trình hợp tác với Papua New Guinea, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như dịch vụ y tế, sẵn sàng và duy trì y tế.

"Một khi ký kết, Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (DCA) sẽ là khuôn khổ nền tảng để hai nước củng cố quan hệ hợp tác an ninh song phương, nâng cao năng lực phòng thủ giúp quân đội Papua New Guinea tự bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, tăng cường ổn định và tăng cường an ninh ở khu vực", một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Papua New Guinea nằm ở mũi phía nam của cái gọi là chuỗi đảo thứ hai, bao gồm quần đảo Ogasawara của Nhật Bản và lãnh thổ Guam của Mỹ. Các cơ sở ở đó có thể được sử dụng để khởi động các hoạt động hỗ trợ và quân sự trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông.

Quốc gia này cũng nằm trên tuyến đường biển quan trọng nối Australia với Đông Bắc Á và Bắc Mỹ.

Một tuyên bố bằng văn bản gửi Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào tháng 4 cho thấy, Đô đốc John Aquilino, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, bộ chỉ huy đang thảo luận với lãnh đạo Papua New Guinea "về một số sáng kiến quan trọng phụ thuộc vào việc ký kết của một Hiệp định Hợp tác Quốc phòng song phương".

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, tướng Kenneth Wilsbach, Chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc đảo Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang tăng cường hiện diện ở nơi có vị trí chiến lược quan trọng này.

Theo các nguồn tin, sau một thỏa thuận quân sự với chính quyền quần đảo Solomon, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng hơn nữa ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương thông qua đàm phán thỏa thuận an ninh với hai đảo quốc khác.

"Họ đang đàm phán với Kiribati và ít nhất một quốc gia khác ở Thái Bình Dương về một thỏa thuận với nội dung khá tương tự so với những gì đã diễn ra tại quần đảo Solomon", một nguồn tin tình báo thân cận của Mỹ cho biết.

Theo Nikkei Asia