1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Tính toán của Mỹ sau thỏa thuận mở rộng tiếp cận căn cứ quân sự Philippines

Minh Phương

(Dân trí) - Thỏa thuận đưa ra trong bối cảnh Mỹ tìm cách mở rộng hiện diện ở khu vực, kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, củng cố, khôi phục quan hệ với các đồng minh chiến lược.

Tính toán của Mỹ sau thỏa thuận mở rộng tiếp cận căn cứ quân sự Philippines - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod Austin trong chuyến thăm Philippines ngày 2/2 (Ảnh: EPA).

 "Khu vực chiến lược ở Philippines"

Chính phủ Mỹ và Philippines ngày 2/2 thông báo hai nước đã đạt được thỏa thuận mới cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự của Philippines. Thỏa thuận được đưa ra nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod Austin tới Philippines.

Thông cáo chung nêu rõ: "Philippines và Mỹ tự hào công bố kế hoạch tăng tốc thực hiện đầy đủ Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA), với thỏa thuận nhằm chỉ định thêm 4 địa điểm đồng thuận tại các khu vực chiến lược của Philippines".

Phát biểu trong chuyến thăm, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh: "Đây không phải thỏa thuận đồn trú vĩnh viễn, nhưng thực sự là một thỏa thuận lớn". Ông cho biết thêm: "Đó chỉ là một phần trong các nỗ lực của chúng tôi nhằm hiện đại hóa liên minh. Những nỗ lực này đặc biệt quan trọng khi Trung Quốc tiếp tục đưa ra các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông".

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez Jr từ chối tiết lộ vị trí cụ thể của 4 căn cứ trên, và lưu ý thêm rằng chính phủ nước này vẫn cần tham vấn người dân địa phương. Thỏa thuận nâng tổng số căn cứ ở Philippines mà quân đội Mỹ được tiếp cận lên 9.

Ông Gregory Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, cho biết các địa điểm sẽ nằm trong "khu vực chiến lược" và có khả năng bao gồm các cơ sở hải quân và các cơ sở thủy quân lục chiến.

Mỹ và đồng minh Philippines ký thỏa thuận (EDCA) vào năm 2014, cho phép các hoạt động huấn luyện chung giữa quân đội hai nước. Theo thỏa thuận này, Mỹ có thể bố trí trước thiết bị và xây dựng các cơ sở như đường băng, kho chứa nhiên liệu và nhà ở quân sự ở Philippines.

Ngoài việc mở rộng thỏa thuận EDCA, Mỹ cũng sẽ hỗ trợ Philippines hiện đại hóa quân đội. Gần đây hai bên đã nhất trí thực hiện hơn 500 hoạt động chung trong năm 2023. Hồi đầu tháng, Philippines thông báo, 16.000 binh sĩ của nước này và Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận thường niên Balikatan dự kiến kéo dài từ ngày 24/4 đến 27/4.

Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc ngày càng tăng áp lực lên Đài Loan cũng như việc Trung Quốc xây dựng căn cứ tại các đảo ở Biển Đông đã tạo động lực cho Mỹ và Philippines tăng cường hợp tác.

Thỏa thuận là một tín hiệu tích cực cho mối quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines vốn rạn nứt những năm gần đây dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte. Washington hy vọng, điều này sẽ được cải thiện dưới chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos.

Tính toán của Mỹ

Thỏa thuận được đưa ra trong bối cảnh Washington tìm cách mở rộng hiện diện ở khu vực, kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, củng cố mối quan hệ với các đồng minh chiến lược, khôi phục những mối quan hệ đã xấu đi những năm gần đây. Ngoài ra, tình hình ở eo biển Đài Loan tiếp tục xu hướng căng thẳng. Giới chức Mỹ lo ngại, một cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan sớm muộn cũng nổ ra.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Bắc Kinh không loại trừ khả năng dùng sức mạnh quân sự để thống nhất hòn đảo. Mỹ dù không có quan hệ chính thức với Đài Loan, nhưng vẫn bán vũ khí, hỗ trợ kỹ thuật, giúp hòn đảo nâng cao năng lực phòng vệ.

Trong số 5 đồng minh theo hiệp ước của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và Thái Lan), Philippines gần Đài Loan nhất.

Tính toán của Mỹ sau thỏa thuận mở rộng tiếp cận căn cứ quân sự Philippines - 2

Quân đội Mỹ và Philippines tập trận chung ở Fort Magsaysay năm 2015 (Ảnh: Getty).

Giới chức Mỹ từ lâu coi vùng lãnh thổ phía bắc của Philippines, như Luzon, là vị trí chiến lược để đối phó Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh tấn công Đài Loan. Luzon, cách Đài Loan, khoảng 200km, được xem là địa điểm tiềm năng để triển khai các hệ thống rocket, pháo và tên lửa đạn đạo có thể sử dụng trong trường hợp xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan.

"Việc Mỹ tăng cường tiếp cận ở Bắc Luzon thực sự đảm bảo rằng Philippines và liên minh của Mỹ sẽ có vai trò tiền phong và trung tâm trong các hoạt động an ninh và răn đe ở Đông Bắc Á," Drew Thompson, cựu quan chức quốc phòng Mỹ hiện là chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.

Với quan ngại ngày càng gia tăng liên quan đến một cuộc xung đột liên quan đến Đài Loan, Philippines có thể mang đến "một vùng tiếp cận rìa" cho các hoạt động quân sự của Mỹ, hoặc thậm chí một nơi để sơ tán người tị nạn. Ngoài ra, Philippines cũng được đánh giá có vị trí chiến lược, vùng biển thuận lợi cho hoạt động của các tàu ngầm.

Thủy quân lục chiến Mỹ đã đề xuất chuyển sang các đơn vị nhỏ hơn trong khu vực có thể triển khai đến các hòn đảo xa xôi để tấn công tên lửa, hỗ trợ hậu phương, phản công hoặc thu thập thông tin tình báo trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc do vấn đề Đài Loan. Cùng với các đảo ở Nhật Bản, các đảo của Philippines được giới hoạch định quân sự Mỹ xem là phù hợp với chiến thuật đó.

Cách đây 3 thập niên, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines không được nhiều người ở quốc gia châu Á này chào đón. Năm 1992, Mỹ buộc phải đóng cửa các căn cứ quân sự đã duy trì gần một thế kỷ ở đây.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc bắt đầu các hoạt động quân sự hóa trái phép ở Biển Đông, dư luận Philippines về sự hiện diện của Mỹ đã thay đổi. Hiện giờ người Philippines hy vọng có được sự hỗ trợ của Washington để ngăn chặn Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.

Theo chuyên gia Poling, thỏa thuận mới giữa Mỹ và Philippines là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn sự mở rộng lãnh thổ xa hơn của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi cũng cấp một nơi cho Mỹ để theo dõi các động thái quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan. "Không có tình huống bất ngờ nào xảy ra trên Biển Đông mà không cần phải tiếp cận Philippines", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Herman Kraft, giáo sư khoa học chính trị từ Đại học Philippines, Manila sẽ không trở thành một thành viên toàn diện trong liên minh của Mỹ để thách thức hoặc chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.

"Philippines đang không làm những điều như Australia và Nhật Bản, đó là trực tiếp thách thức các lợi ích của Trung Quốc trên Biển Đông hoặc Biển Đông Á. Tổng thống Marcos muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, nhưng ông cũng muốn mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc vì lợi ích kinh tế", ông Kraft bình luận.

"Chúng tôi một lần nữa bị mắc kẹt ở giữa", Renato Reyes, Tổng thư ký Liên minh New Patriotic, một nhóm cánh tả ở Philippines, cho biết.

Theo New York Times, BBC,