1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ có thể chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Một số nguồn tin cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ kêu gọi chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Moscow, mở đường cho việc tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nga.

Mỹ có thể chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).

Reuters ngày 11/3 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, việc Mỹ xóa bỏ quy chế "Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn" với Nga sẽ làm gia tăng đáng kể sức ép lên Tổng thống Vladimir Putin, từ đó buộc Nga phải chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Một nguồn tin cho biết, động thái này của Mỹ sẽ được phối hợp cùng các nước trong Nhóm G7 và cần có sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ. Hiện các nhà lập pháp ở cả hai viện của Quốc hội Mỹ đều bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án này.

Động thái này cũng sẽ mở đường cho Mỹ và các đồng minh áp thuế cao hơn đối với hàng loạt hàng hóa của Nga, gây sức ép lên nền kinh tế nước này.

Theo Nhà Trắng, ông Biden dự kiến sẽ thảo luận "các hành động để tiếp tục buộc Nga phải chịu trách nhiệm", bao gồm tuyên bố về việc xóa bỏ quy chế thương mại, vào sáng nay 11/3 theo giờ địa phương.

Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mà trước đó họ cho rằng "khó xảy ra" hoặc "phương án cuối cùng" như cấm vận dầu mỏ, khí đốt hay loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Theo Bloomberg, Nga trở thành quốc gia hứng nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới, với 2.778 lệnh mới chỉ trong 2 tuần, nâng tổng cộng số lệnh trừng phạt nhằm vào nước này lên 5.530.

Hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Cùng ngày, Anh cũng tuyên bố sẽ cấm vận dầu mỏ và khí đốt Nga từ cuối năm nay. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) - khách hàng lớn nhất của ngành năng lượng Nga - cam kết sẽ giảm dần phụ thuộc vào Moscow.

Một nhóm thượng nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đã đệ trình Quốc hội một dự thảo đề xuất nhằm ngăn chặn khả năng bán vàng khỏi kho dự trữ của Nga. Theo dự luật, Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với bất cứ thực thể nào của Mỹ cố ý giao dịch hoặc vận chuyển vàng do Ngân hàng trung ương Nga nắm giữ. Ngoài ra, bất cứ công dân Mỹ nào bán vàng trực tiếp hoặc trực tuyến cho Nga cũng bị xử phạt.

Phản ứng về lệnh trừng phạt của Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Mỹ thực tế coi như đã tuyên chiến kinh tế với Nga, vì vậy Washington có thể sẽ phải đối mặt với các động thái đáp trả của Moscow.

Ông Peskov cho biết "nền kinh tế Nga đang phải hứng chịu một cú sốc" với những "hậu quả tiêu cực". Ông cho rằng đây là "điều chưa từng có tiền lệ, chưa từng có một cuộc chiến kinh tế nào như vậy nhằm vào Nga".

Ông Peskov khẳng định, Nga đã sẵn sàng các biện pháp để hạ nhiệt tình hình, song Moscow cần "hành động một cách có trật tự nhằm giảm thiểu các tác động và rủi ro tiềm tàng".

Tổng thống Vladimir Putin ngày 10/3 cho biết Nga không phải là quốc gia có thể chấp nhận thỏa hiệp chủ quyền của mình vì một số lợi ích kinh tế ngắn hạn. Ông tuyên bố Nga sẽ "vượt qua" các thách thức của phương Tây.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine