Mỹ chọc vào "tổ ong bắp cày" khi không kích Houthi?
(Dân trí) - Chuyên gia nhận định các cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh nhằm vào nhóm Houthi có thể sẽ không khiến nhóm vũ trang ở Yemen dừng lại và tình hình có thể leo thang nguy hiểm.
Quân đội Mỹ và đồng minh ngày 11/1 đã mở cuộc không kích vào Houthi, nhóm đã tấn công tuyến đường vận tải thương mại ở Biển Đỏ và phóng tên lửa đạn đạo vào Israel trong vài tháng qua.
Không quân Mỹ cho biết họ đã tấn công hơn 60 mục tiêu của Houthi tại 16 địa điểm ở Yemen, bao gồm "các cơ sở chỉ huy và kiểm soát, kho đạn dược, hệ thống phóng, cơ sở sản xuất và hệ thống radar phòng không".
Từ năm 2014, Houthi đã đối đầu với chính phủ Yemen được phương Tây công nhận và các đồng minh của nước này dưới hình thức liên minh quân sự do Ả-rập Xê-út đứng đầu.
Reuters dẫn lời 2 quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, tối 12/1, quân đội Mỹ tiếp tục không kích các mục tiêu của lực lượng Houthi.
Houthi tuyên bố sẽ đáp trả bằng mọi nguồn lực với sự quyết tâm đáp trả các vụ tấn công của Mỹ và đồng minh.
Bilal Saab, một thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông ở Washington, D.C., nhận định rằng các cuộc tập kích của phương Tây có thể sẽ không thể ngăn cản được Houthi, nhóm đã duy trì cuộc chiến kéo dài gần 10 năm qua với Ả-rập Xê-út và các đồng minh khu vực.
"Tôi không có lý do gì để không tin họ", ông Saab nói với Newsweek về các mối đe dọa trả đũa của Houthi.
"Tôi không nghĩ họ đang dọa dẫm. Họ sẽ đáp trả… Họ nhìn thấy cơ hội trong cuộc chiến với quốc gia hùng mạnh nhất thế giới", ông nói, cảnh báo các cuộc tấn công của phương Tây sẽ kéo theo rủi ro và hậu quả.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, Mỹ dường như không có nhiều phương án trước khi quyết định tấn công quy mô lớn vào Houthi.
"Tôi không nghĩ việc không hành động sẽ là một lựa chọn. Mọi phương án đã được trình lên Tổng thống Mỹ Joe Biden và Washington đã chọn một trong những phương án ít tồi tệ nhất (là tấn công)".
"Tổ ong bắp cày" Houthi
Houthi có lực lượng 20.000 quân và kho tên lửa đạn đạo, UAV được Newsweek đánh giá là đáng gờm. Hầu hết các vũ khí này được Iran cung cấp hoặc chế tạo theo thiết kế của Iran.
Trong 10 năm chiến sự với các quốc gia Vùng Vịnh, Houthi đã nhiều lần thực hiện thành công các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng và quân sự nhạy cảm của Ả-rập Xê-út và UAE.
Trong số các tên lửa đạn đạo của Houthi có Shahab 3, với tầm bắn hơn gần 1.300km, và các biến thể Ghadar, với tầm bắn lên tới 1.931km. Shahab 3 có tầm bao trùm tới Ả-rập Xê-út, UAE và Qatar, trong khi tên lửa Ghadar tầm xa nhất có thể bay tới Israel và Iraq.
Các cơ sở chiến lược của Mỹ có hàng nghìn nhân sự như Căn cứ Không quân Al Udeid ở Qatar, căn cứ hải quân ở Bahrain và Arifjan ở Kuwait đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Houthi.
Houthi cũng sở hữu tên lửa đạn đạo chống hạm có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa và trên 804km.
Houthi được xem là lực lượng có khả năng sử dụng thành thạo và sáng tạo máy bay không người lái tầm xa, với một loạt vũ khí lấy cảm hứng từ Iran như Qasef, Shahed và Mohajer.
Andreas Krieg, phó giáo sư tại trường nghiên cứu an ninh tại King's College, London, Anh nhận định với Newsweek: "Tiếp tục tấn công tuyến đường vận tải trên Biển Đỏ dường như sẽ là phương án mà Houthi tiếp tục thực hiện".
"Họ phải phản ứng để giữ thể diện tại Yemen. Họ phải gửi đi thông điệp. Houthi đã ở trong tình trạng chiến đấu trong hàng chục năm và họ chịu được áp lực từ các cuộc tấn công. Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều cuộc tấn công nhằm vào tàu chở hàng từ Yemen trong những tuần tới", ông nói.
"Có rất ít phương án để ép buộc hoặc ngăn lực lượng Houthi dừng lại. Vấn đề ở đây là sau khi Mỹ chọc giận họ bằng cuộc tấn công, Houthi rất có thể sẽ càng quyết tâm hành động hơn", ông dự đoán.
Nếu Houthi đáp trả quyết liệt Mỹ, một trận chiến "ăn miếng, trả miếng" dự kiến khác sẽ xảy ra, theo ông Saab. Ông cho rằng, đây sẽ là một trận chiến kéo dài vì Mỹ và phương Tây hiểu rằng, một vài cuộc tấn công đơn lẻ sẽ không thể thay đổi được tình hình và có thể khiến Houthi phản ứng mạnh hơn.
"Phương Tây đã đụng phải tổ ong bắp cày. Dù nổ ra xung đột với Mỹ, Houthi vẫn đạt được lợi ích ở một góc độ nào đó", ông Saab nhận định. Ông cho rằng, xung đột với Mỹ leo thang có thể giúp Houthi củng cố được hình ảnh với người Yemen rằng họ là lực lượng chống lại Washington ở khu vực.
Vai trò của Iran
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhắc tới vai trò của Iran, bên đã hậu thuẫn Houthi và các thành viên trong "Trục Kháng chiến" ở Trung Đông trong nhiều năm qua.
"Đây không phải là cuộc chơi có 2 người chơi tham gia. Đây là cục diện có sự tham gia của Iran", ông Saab nói.
Rõ ràng, sẽ có rất ít cơ hội cho một giải pháp quân sự thuần túy để giải quyết hoàn toàn vấn đề. Mỹ và đồng minh đã có nhiều bài học khi can thiệp tại Afghanistan, Iraq, Libya.
Ông Saab cho biết, Houthi khá phân tán. "Họ có thể ẩn náu trong núi, trong đường hầm, họ có năng lực và sẽ tiếp tục nhận nguồn cung cấp từ Iran", ông cho rằng cơ cấu tổ chức của Houthi không tập trung.
Vì vậy, chỉ sử dụng biện pháp quân sự thuần túy rất khó để ngăn chặn hoàn toàn Houthi vì họ sẽ có cơ hội vươn mình trở lại và vẫn có sự hậu thuẫn từ Iran. Đó là lý do mà ông Saab coi Houthi như "tổ ong bắp cày".
Trong khi đó, ông Krieg nói rằng các đồng minh và đối tác khu vực Vùng Vịnh của Mỹ không muốn bị kéo vào một cuộc xung đột leo thang khác.
Họ cố gắng tách mình khỏi vụ tấn công của Washington. Ả-rập Xê-út - quốc gia đang theo đuổi thỏa thuận hòa bình với Houthi để chấm dứt cuộc chiến ở Yemen - bày tỏ "mối quan ngại lớn" và kêu gọi "tránh leo thang".
UAE lưu ý "tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh khu vực" đồng thời lên án các cuộc tấn công vào tàu bè trên Biển Đỏ. Và Ngoại trưởng Oman Badr Al-Busaidi cảnh báo hành động của phương Tây sẽ "chỉ đổ thêm dầu vào tình hình cực kỳ nguy hiểm".
Mặt khác, ông Krieg cho rằng, Iran sẽ không "bật đèn xanh" để Houthi tấn công vào các nước Vùng Vịnh vì không muốn làm leo thang căng thẳng hơn nữa.
"Họ đang cố gắng xây dựng một mặt trận thống nhất trong cuộc chiến ở Gaza, chống lại phương Tây và chống lại Israel. Họ không muốn đẩy Ả-rập Xê-út và UAE ra xa để các nước này hướng về Mỹ", ông nói.
Mặt khác, sau nhiều năm chiến sự kéo dài với Houthi, liên minh các nước Vùng Vịnh cũng muốn một cái kết mang lại ổn định ở Yemen.