1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ cam kết "không bỏ rơi" Ukraine, viện trợ an ninh 60 triệu USD

Thanh Thành

(Dân trí) - Mỹ nhấn mạnh cam kết đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời cấp khoản viện trợ an ninh mới trị giá 60 triệu USD cho Kiev.

Mỹ cam kết không bỏ rơi Ukraine, viện trợ an ninh 60 triệu USD - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) hội đàm người đồng cấp Ukraine Volodmyr Zelenskiy tại Nhà Trắng vào ngày 1/9 (Ảnh: Reuters).

AP đưa tin, Tổng thống  Mỹ Joe Biden đã gửi thông điệp đến thế giới trong cuộc hội đàm đầu tiên với một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan: Mỹ không còn gánh nặng về "cuộc chiến mãi mãi" và quyết tâm trở thành một đồng minh đáng tin cậy hơn.

Nhà lãnh đạo Mỹ và người đồng cấp Ukraine Volodmyr Zelensky đã có cuộc hội đàm vào ngày 1/9 giờ địa phương tại thủ đô Washington, trong đó ông chủ Nhà Trắng trấn an Kiev với khoản viện trợ an ninh mới trị giá 60 triệu USD.

"Mỹ vẫn cam kết kiên quyết đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", Tổng thống Biden nhấn mạnh.

Nhà Trắng cho biết, gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 60 triệu USD cho Ukraine sẽ bao gồm hệ thống tên lửa chống tăng Javelin, các vũ khí phòng thủ có khả năng gây sát thương và các vũ khí khác. Tên lửa chống tăng Javelin là vũ khí mà Kiev coi là "cần thiết và quan trọng" cho năng lực phòng thủ trước lực lượng ly khai ở miền Đông. Xét tổng thể, Mỹ đã cam kết viện trợ quân sự hơn 400 triệu USD cho Ukraine trong năm nay.

Về phần mình, Tổng thống Zelensky cảm ơn sự hỗ trợ của người đồng cấp Mỹ. "Cuộc chiến ở Donbas bước sang năm thứ 8 và chúng tôi đã mất đi 15.000 người", Tổng thống Zelensky nói khi đề cập đến cuộc xung đột ở trung tâm công nghiệp miền đông của Ukraine.

Ngoài việc trao đổi về quan hệ hợp tác an ninh song phương, cả hai nhà lãnh đạo cũng nói về dự Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2), cũng như lộ trình để Ukraine gia nhập NATO trong tương lai.

Tổng thống Biden đã không đề cập đến vấn đề Afghanistan trong cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine. Thất bại của Mỹ tại chiến trường này cùng với kế hoạch rút quân hỗn loạn làm dấy lên những lời chỉ trích rằng Mỹ không phải là một đối tác quốc tế đáng tin cậy, điều mà ông Biden luôn nỗ lực bác bỏ.

Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm, Tổng thống Zelensky cho biết cả hai không có nhiều thời gian để trao đổi về vấn đề NATO, nhưng ông hiểu cá nhân Tổng thống Biden ủng hộ Ukraine gia nhập liên minh quân sự này. "Tôi không chỉ cảm thấy mà còn nghe được rằng cá nhân Tổng thống Mỹ ủng hộ Ukraine trở thành thành viên NATO", ông Zelensky nói.

Ông Zelensky đã kêu gọi các thành viên NATO đẩy nhanh quá trình gia nhập của Ukraine, nhưng các nước thành viên NATO trước đó cho rằng, Ukraine cần thực hiện nhiều cải cách chính trị hơn trước khi được trao quy chế thành viên.

Về dự án Dòng chảy phương Bắc 2, trong tuyên bố chung sau cuộc họp, Mỹ và Ukraine đều phản đối dự án này và "ủng hộ các nỗ lực nhằm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt cho Ukraine".

Dòng chảy phương Bắc 2 được xây dựng dọc theo đáy biển Baltic từ Nga sang Đức để cung cấp khí đốt trực tiếp cho châu Âu. Phần lớn các nước EU ủng hộ và tham gia thực hiện dự án, nhưng Ukraine, các nước Baltic, Ba Lan, Mỹ phản đối.

Dòng chảy phương Bắc 2 cho đến nay vẫn là một vấn đề địa chính trị quan trọng khiến Ukraine lo ngại vì cho rằng, nó có thể trở thành một vũ khí địa chính trị của Moscow. Trong khi đó, Mỹ lo ngại dự án này khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga và gây tổn hại về kinh tế đối với những quốc gia trung chuyển truyền thống, trong đó có Ukraine.