Thủ tướng Đức và Tổng thống Ukraine hội đàm giải quyết tình hình Donbass
Ngày 22/8, sau Moscow, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới Kiev và hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Hai nhà lãnh đạo tiếp tục nhất trí về giải pháp cho tình hình ở Donbass.
Cuộc gặp của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky diễn ra tại Cung điện Marinsky ở thủ đô Kiev trong gần một giờ đồng hồ. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau đó, cả hai nhà lãnh đạo đều cho rằng, để giải quyết tình hình ở Donbass, cần phải tuân thủ "định dạng Normandy".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, "chủ đề ưu tiên của cuộc hội đàm là vấn đề giải quyết hòa bình ở Donbass. Điều quan trọng là trong khuôn khổ của định dạng Normandy (Đức, Nga, Ukraine, Pháp) có một quan điểm hợp nhất về kế hoạch hòa bình".
Theo nhà lãnh đạo Ukraine, chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Paris của Bộ tứ Normandy phải được thực hiện và vẫn còn phù hợp. Ông nhấn mạnh, Kiev đang nỗ lực để đạt được một lệnh ngừng bắn ổn định, trao đổi những người bị giam giữ và mở các trạm kiểm soát "từ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng", cũng như tiếp cận đến đó cho các đại diện của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng ủng hộ việc tiếp tục giải quyết vấn đề này theo "định dạng Normandy", kể cả ở cấp cao nhất. Bà sẵn lòng làm việc "để tổ chức cuộc gặp một lần nữa".
Một chủ đề quan trọng khác mà hai nhà lãnh đạo đã thảo luận là về vấn đề an ninh năng lượng và dự án Dòng chảy Phương bắc 2. Theo lời Tổng thống Ukraine, Kiev "nhìn dự án này qua lăng kính an ninh", "coi đây là một vũ khí địa chính trị không an toàn từ Điện Kremlin".
Đáp lại, Thủ tướng Đức nhắc nhớ rằng, đây là một dự án thương mại, trong đó các công ty lớn nhất thế giới tham gia và nó có ý nghĩa toàn Châu âu. Bà cũng nhắc về 175 triệu euro đã hứa dành cho Kiev để phát triển năng lượng xanh và hỗ trợ trong các cuộc đàm phán sau khi kết thúc thỏa thuận về việc vận chuyển khí đốt của Nga với Gazprom vào năm 2024.
Trước đó, tại cuộc họp báo chung ở Moscow với nhà lãnh đạo Đức, Tổng thống Nga V.Putin đã cam kết, sau năm 2024, Nga sẵn sàng tiếp tục vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine. Nhưng Moscow phải nhận được câu trả lời, bao gồm cả từ các đối tác châu Âu về việc họ sẵn sàng mua bao nhiêu, trong thời hạn bao lâu từ Nga.