1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ viện trợ quân sự 150 triệu USD cho Ukraine trước cuộc gặp Putin - Biden

Thành Đạt

(Dân trí) - Lầu Năm Góc thông báo khoản hỗ trợ quân sự trị giá 150 triệu USD cho Ukraine trước thềm cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ.

Mỹ viện trợ quân sự 150 triệu USD cho Ukraine trước cuộc gặp Putin - Biden - 1

Binh sĩ Ukraine diễn tập quân sự (Ảnh: Reuters).

"Hôm nay, Bộ Quốc phòng công bố gói 150 triệu USD mới như một phần của sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine nhằm giúp các lực lượng Ukraine bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và cải thiện năng lực hợp tác với NATO", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết trong cuộc họp báo ngày 11/6.

Ngoài các trang thiết bị và vũ khí, Mỹ cũng hỗ trợ Ukraine trong hoạt động huấn luyện và cố vấn. Ông Kirby cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine, bao gồm cả vũ khí sát thương.

Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh cho Ukraine hơn 2,5 tỷ USD kể từ năm 2014 và tiếp tục đề nghị giúp đỡ Ukraine trong nỗ lực cải cách quốc phòng.

Thông tin về khoản hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden đang có chuyến công du 8 ngày đến châu Âu.

Ông Biden dự kiến sẽ có cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sĩ. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước tiếp tục leo thang căng thẳng.

Trước thềm chuyến công du, ông Biden cũng cảnh báo Mỹ không "tìm kiếm xung đột với Nga" nhưng sẵn sàng "đáp trả quyết liệt bất cứ hành động nào của Nga làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ và các đồng minh".

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang dồn dập trong thời gian qua. Các nước phương Tây hồi tháng 4 cáo buộc Nga triển khai ít nhất 85.000 binh sĩ cùng nhiều khí tài đến khu vực biên giới giáp miền đông Ukraine giữa lúc chiến sự ở đây leo thang.

Bộ Quốc phòng Nga nói rằng đợt triển khai này chỉ là một phần của cuộc diễn tập kéo dài 3 tuần nhằm kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Moscow sau đó đã thông báo rút quân, đồng thời cáo buộc NATO triển khai khoảng 40.000 binh sĩ và 15.000 khí tài đến gần biên giới Nga, chủ yếu ở Biển Đen và khu vực Baltic.

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 5 cho biết, gần 80.000 lính Nga vẫn ở bám trụ tại nhiều dải biên giới của nước này với Ukraine. Đây vẫn là đợt triển khai quân lớn nhất của Nga ở biên giới với Ukraine, kể từ khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Một số quan chức Mỹ nói rằng việc Nga triển khai quân về cơ bản nhằm mục đích "nắn gân" Mỹ và châu Âu, đồng thời để cảnh báo Ukraine về sự hạn chế trong khả năng hỗ trợ của phương Tây.

Giới chức Mỹ cho biết họ coi sự hiện diện lâu dài của quân đội Nga ở biên giới Ukraine là thông điệp từ Tổng thống Putin rằng Nga có thể sánh ngang, thậm chí áp đảo lực lượng quân sự của NATO ở châu Âu.

Mỹ tuyên bố chuẩn bị áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Moscow và lên tiếng ủng hộ Ukraine. Tuy vậy, chính quyền của ông Biden cho đến nay vẫn không thực hiện các bước để đưa Ukraine trở thành thành viên NATO như nguyện vọng của Ukraine.