1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ "bật đèn xanh" giúp Ukraine chấm dứt xung đột với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để giúp Ukraine đàm phán chấm dứt xung đột với Nga.

Mỹ bật đèn xanh giúp Ukraine chấm dứt xung đột với Nga - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev năm 2021 (Ảnh: Xinhua).

"Chúng tôi sẽ xem xét những gì Ukraine đang làm và những gì họ muốn làm. Nếu họ muốn kết thúc xung đột, chấm dứt chết chóc, phá hủy và tiếp tục khẳng định độc lập và chủ quyền, thậm chí bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong cuộc phỏng vấn với NBC News hôm 3/4.

Ông Blinken tuyên bố chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hỗ trợ bất kỳ điều gì Ukraine muốn để chấm dứt cuộc xung đột hiện nay với Nga.

Theo Ngoại trưởng Blinken, Mỹ và các đồng minh đang làm mọi cách có thể để củng cố vị thế của Ukraine trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, ông khẳng định các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ không kéo dài vô thời hạn.

Ngoại trưởng Mỹ cũng phủ nhận quan điểm của người dẫn chương trình rằng "bây giờ không phải thời điểm để đàm phán nhượng bộ với Nga". Ông nói rằng việc kết thúc xung đột sẽ phụ thuộc vào quyết định của Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 3/4 cho biết, ông sẵn sàng gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhiều tuần, khiến hàng nghìn người Ukraine thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản.

Tuy nhiên, ông Zelensky nói rằng, điều kiện tối thiểu để hai bên có thể đàm phán kết thúc xung đột là Nga phải rút quân khỏi Ukraine.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 3/4 cũng tuyên bố, Tổng thống Putin chỉ có thể gặp người đồng cấp Ukraine khi có một thỏa thuận cụ thể bằng văn bản giữa hai nước.

Theo Wall Street Journal (WSJ), Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng đề xuất với Tổng thống Zelensky một giải pháp hòa bình chỉ vài ngày trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2.

Thủ tướng Scholz đã nói với Tổng thống Zelensky ngày 19/2 tại Munich rằng "Ukraine nên từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO và tuyên bố trung lập như một phần của thỏa thuận an ninh châu Âu giữa phương Tây và Nga". Thỏa thuận sẽ được Tổng thống Putin và Tổng thống Biden ký kết và họ cũng là những nhà lãnh đạo "cùng đảm bảo an ninh cho Ukraine".

Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky đã từ chối đề nghị nhượng bộ trên vì "không tin tưởng" Nga và cho rằng "phần lớn người dân Ukraine đều muốn gia nhập NATO". Khi đó, câu trả lời của ông Zelensky khiến các quan chức Đức lo ngại rằng, cơ hội đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga đang "mất dần".

Vị thế trung lập của Ukraine là một trong những điều kiện mà Moscow đưa ra trong số các yêu cầu khác để Nga quyết định có chấm dứt chiến dịch quân sự hiện nay hay không. Nga từng đề xuất Ukraine áp dụng mô hình quốc gia trung lập tương tự Áo hay Thụy Điển. Tuy nhiên, Kiev đã bác bỏ phương án này và tuyên bố Ukraine muốn một mô hình trung lập mà ở đó họ có được cam kết đảm bảo an ninh từ bên thứ 3.

Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine đã gửi văn bản dự thảo về đảm bảo an ninh cho một số nước và hy vọng rằng họ sẽ công khai tham gia đảm bảo an ninh cho Ukraine. Một số chuyên gia nhận định, đề xuất này có nhiều điểm tương đồng với quy tắc phòng vệ tập thể thuộc Điều 5 trong hiệp ước của NATO mặc dù Ukraine không phải là một thành viên của liên minh quân sự này.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine