1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ bắt đầu huấn luyện hàng trăm binh sĩ Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ đã khởi động chương trình huấn luyện mở rộng cho quân đội Ukraine ở Đức trong bối cảnh xung đột vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Mỹ bắt đầu huấn luyện hàng trăm binh sĩ Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa vào mục tiêu ở Donetsk (Ảnh: AFP).

"Sự hỗ trợ này thực sự quan trọng để Ukraine có thể tự bảo vệ mình", Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tuyên bố hôm nay 16/1.

Theo tướng Milley, kế hoạch của Mỹ là huấn luyện một tiểu đoàn gồm khoảng 500 binh sĩ Ukraine và họ sẽ về nước để tham gia cuộc chiến với Nga sau 5-8 tuần.

Việc khởi động chương trình huấn luyện diễn ra sau thông báo của Mỹ hồi đầu tháng rằng, họ sẽ gửi hàng chục xe chiến đấu bộ binh Bradley tới Ukraine, trong khi Đức và Pháp cũng hứa cung cấp loại thiết giáp tương tự.

Vào cuối tuần trước, Anh cũng chính thức xác nhận sẽ cung cấp 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 cho Kiev, trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đang cân nhắc việc cung cấp thêm "thiết bị quân sự hạng nặng" từ phương Tây cho Ukraine trong "tương lai gần".

"Sẽ là lý tưởng nếu các binh sĩ Ukraine mới được huấn luyện sẽ trở lại tác chiến và có thể sử dụng khí tài này vào thời điểm nào đó trước khi những cơn mưa mùa xuân xuất hiện", tướng Milley nói.

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 5/1, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Pat Ryder thông báo Mỹ đang xem xét đưa lực lượng Ukraine tới Mỹ để đào tạo sử dụng hệ thống tên lửa Patriot và huấn luyện ở nước ngoài "hoặc kết hợp cả hai".

Ông Ryder xác nhận Mỹ đã huấn luyện khoảng 3.100 binh sĩ Ukraine kể từ tháng 4/2022. Ông cũng cho biết, khoảng 12.000 binh sĩ Ukraine đã được huấn luyện theo các chương trình huấn luyện quốc tế.

Chương trình huấn luyện của Mỹ chú trọng việc hướng dẫn lực lượng Ukraine cách vận hành các hệ thống vũ khí hiện đại của Mỹ, trong đó hơn 600 binh sĩ được đào tạo sử dụng Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS). Ngoài Mỹ, các đồng minh phương Tây như Anh, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển cũng tham gia huấn luyện cho lực lượng Ukraine.

Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đang chạy đua cung cấp các loại xe bọc thép cho Ukraine để ngăn chặn một cuộc tấn công mới của Nga vào mùa xuân này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, không có lý do gì để các đối tác phương Tây phải e ngại cung cấp xe tăng và vũ khí cho Kiev ở thời điểm hiện tại.

Giới chức Ukraine từng bày tỏ lo ngại về việc đưa quá nhiều binh sĩ ra khỏi tiền tuyến để đào tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh mùa đông, cường độ xung đột có thể giảm xuống ở nhiều mặt trận, đây có thể là thời gian phù hợp cho việc huấn luyện.

Nga nhiều lần cảnh báo, việc phương Tây "bơm" vũ khí vào Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài và làm tăng nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO. Nga cũng tuyên bố, bất cứ lô vũ khí nào của nước ngoài vào Ukraine đều có thể trở thành mục tiêu tấn công chính đáng của Moscow. 

Theo RT