Mỹ bắt đầu đóng tàu ngầm lớn nhất, tiên tiến nhất
(Dân trí) - Mỹ bắt đầu đóng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân trong nỗ lực duy trì vị thế hàng đầu trong lĩnh vực này.
Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn thông tin từ trang web USNI của Viện Hải quân Mỹ cho biết, lễ khởi công đóng tàu ngầm USS District of Columbia (SSBN 286) diễn ra hôm 4/6. Các tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp mới này của Hải quân Mỹ dự kiến sẽ được đưa vào biên chế năm 2027.
"Tàu ngầm lớp Columbia sẽ là tàu ngầm lớn nhất, tiên tiến nhất mà Mỹ sản xuất", Eleanor Holmes Norton, một nghị sĩ của Mỹ, nhận định.
Theo kế hoạch, 12 tàu ngầm lớp Columbia sẽ thay thế các tàu ngầm lớp Ohio đã cũ, trở thành hạm đội răn đe chiến lược hàng đầu của Mỹ. Hải quân Mỹ hiện vận hành 14 tàu ngầm lớp Ohio được chế tạo trong khoảng thời gian từ 1976 đến 1997. Trong số đó, 4 chiếc đã được chuyển đổi thành tàu ngầm mang tên lửa hành trình.
Tàu ngầm lớp Columbia có thể trang bị 16 ống phóng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hạt nhân, so với 24 ống phóng ở tàu ngầm Ohio. Tuy nhiên, với chiều dài 158m, tải trọng 18.000 tấn, tàu lớp Columbia có kích thước lớn hơn và được trang bị hệ thống truyền động lực và công nghệ phức tạp hơn.
"Tàu ngầm lớp Columbia sẽ mang theo 70% số vũ khí hạt nhân đã được triển khai của Mỹ", Tư lệnh Hải quân Mỹ Carlos Del Toro cho biết. Ông cho rằng, đây sẽ là "khoản đầu tư thông minh nhất" nhằm đảm bảo an toàn cho người Mỹ.
Giới chức Mỹ tin rằng, tàu ngầm Columbia sẽ giúp Hải quân nước này duy trì ưu thế cạnh tranh so với hải quân của các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.