1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ bán 2 tàu sân bay về hưu với giá 2 xu

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ bán 2 tàu sân bay đã bị loại biên là USS Kitty Hawk và USS John F. Kennedy với giá 0,01 USD mỗi chiếc, để bên mua tiến hành quá trình rã sắt vụn các tàu này.

Mỹ bán 2 tàu sân bay về hưu với giá 2 xu - 1

Tàu sân bay USS Kitty Hawk của Mỹ (Ảnh: Hải quân Mỹ).

The Drive đưa tin, Mỹ đã bán 2 tàu sân bay về hưu USS Kitty Hawk và USS John F. Kennedy để rã sắt vụn với giá chỉ 1 cent (0,01 USD) mỗi chiếc.

Hải quân Mỹ đã loại biên 2 tàu này từ hơn 10 năm trước, nhưng vẫn lưu giữ chúng vì nhiều bên có kế hoạch muốn biến các tàu này thành bảo tàng. Ngoài ra, có một số cuộc thảo luận liên quan tới việc đưa tàu Kitty Hawk trở lại hoạt động. Tuy nhiên, các kế hoạch này đều bất thành và Mỹ vẫn quyết định rã sắt vụn các chiến hạm.

Mỹ đã chọn công ty ISL có trụ sở ở Brownsville, bang Texas làm nhà thầu tháo dỡ 2 tàu sân bay. ISL sẽ trả 2 cent cho 2 tàu rồi chịu trách nhiệm đưa chúng đi rã sắt vụn. Các tàu dự kiến sẽ bị tháo dỡ trong thời gian tới và quá trình này có thể kéo dài trong nhiều năm.

Việc bán 2 hàng không mẫu hạm khổng lồ với giá chỉ 1 cent mỗi chiếc có thể được xem là tin khá "sốc", nhưng đó là phương án phù hợp nhất với hải quân Mỹ trong trường hợp này, theo The Drive.

Để rã sắt vụn tàu đã loại biên, hải quân sẽ phải chi hàng triệu thậm chí hàng tỷ USD để thuê nhà thầu làm việc này. Ví dụ, Mỹ dự kiến có thể phải mất 1,5 tỷ USD để dỡ tàu sân bay hạt nhân USS Enterprise. Trong khi đó, chiến hạm USS Bonhomme Richard bị cháy năm 2020 cũng tốn tới 30 triệu USD để rã sắt vụn. Vì vậy, việc bán rẻ tàu đi để bên khác thực hiện tháo dỡ được xem là phương án hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều.

USS Kitty Hawk và USS John F. Kennedy là những hàng không mẫu hạm cuối cùng chạy bằng động cơ thường của hải quân Mỹ. Kitty Hawk gia nhập hải quân Mỹ năm 1961, bị loại biên năm 2009. Trong khi đó, John F. Kennedy vào hải quân Mỹ từ năm 1968 và về hưu năm 2007.