Lý giải nguyên nhân kỷ nguyên tàu sân bay vẫn chưa kết thúc
Giới phê bình tàu sân bay (còn gọi là hàng không mẫu hạm) thường quá tập trung vào các điểm yếu của loại tàu này (dễ bị tấn công) để đánh giá thấp tương lai của nó mà chưa chú ý đúng mực đến thế mạnh là nhánh không quân của tàu.
Các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân có boong lớn sẽ là một phần trọng yếu trong cơ cấu lực lượng hải quân trong ít nhất là nửa thế kỷ tới. Lý do chính cho sự bền bỉ này là khả năng thích ứng và mức độ linh hoạt đáng kể của bộ phận không quân thuộc tàu sân bay.
Nhân tố không quân trên tàu sân bay
Lấy ví dụ tàu sân bay năng lượng hạt nhân (CVN) lớp Ford mới của hải quân Mỹ. Khi bộ phận không quân vẫn đang trong quá trình phát triển được gắn chặt với các cải tiến chức năng ở tàu sân bay này, kết quả thu được sẽ là một năng lực quân sự tiên tiến có độ linh hoạt, cơ động, hiệu quả, và tầm vươn vô đối. Năng lực "gọt đẽo" bộ phận không quân này cho phù hợp với các đòi hỏi tác chiến cụ thể, và thậm chí bổ sung thêm các nền tảng không quân phi truyền thống sẽ giúp hải quân Mỹ tiếp tục phóng chiếu sức mạnh trên cự ly lớn và trong nhiều loại hình xung đột trong các thập kỷ tới đây.
Kể từ khi ra đời không quân xuất kích từ tàu sân bay vào đầu thập niên 1930, Mỹ đã triển khai 12 lớp tàu sân bay được đóng theo mục đích cụ thể, ba trong số này (gồm tàu Enterprise, Nimitz, và Ford) là tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Cùng thời kỳ này, khoảng 200 máy bay khác nhau đã cất cánh từ boong hàng không mẫu hạm Mỹ. Bằng việc liên tục điều chỉnh tổ hợp máy bay trong biên chế của mình, hải quân Mỹ có khả năng duy trì mức độ phù hợp và đóng góp của không quân hải quân Mỹ đối với sức mạnh quân sự tổng thể của Mỹ bất chấp các mối đe dọa liên tục xuất hiện.
Đội hình tích hợp
Bộ phận không quân của tàu sân bay là đội hình quân sự được tích hợp hoàn thiện nhất hiện nay. Nó chứa đựng sự cân bằng của lực lượng tấn công và phòng ngự, trinh sát, cảnh báo sớm, chỉ huy và kiểm soát, cũng như tiếp nhiên liệu trên không, và chiến tranh điện tử.
Huấn luyện và triển khai đồng thời, lực lượng không quân này có cơ hội phát triển khả năng hiệp đồng tác chiến như một thể thống nhất.
Hiện tại, nhánh không quân của tàu sân bay có thể tạo ra năng lực tác chiến bền vững hơn bất cứ đội hình hải quân thông thường nào. Lượng đạn khổng lồ có sẵn trên một tàu sân bay CVN cho phép duy trì hỏa lực đáng kinh ngạc trong một thời gian kéo dài. Cần nhớ rằng ngay cả các tàu chiến bề mặt lớn nhất và tàu ngầm lớn nhất cũng chỉ mang được một lượng tên lửa hữu hạn. Một khi số đạn dược đó đã được dùng thì tàu sẽ phải quay lại căn cứ để nạp thêm đạn. Tất nhiên tàu CVN cuối cùng cũng phải quay về căn cứ để nạp đạn và lấy đồ tiếp tế, nhưng thời gian để làm lại việc này là tương đối dài.
Hiện nay, bộ phận không quân của tàu sân bay hải quân Mỹ đang trải qua chương trình hiện đại hóa sâu sắc nhất trong hơn nửa thế kỷ. Một phi cơ cất cánh từ boong tàu sân bay Mỹ đều hoặc là hệ thống mới hoặc là đã được nâng cấp đáng kể. Tính gộp lại, các tiến bộ này sẽ nâng mức độ sát thương của bộ phận không quân tàu sân bay lên đáng kể.
Điểm nhấn F-35C và Super Hornet
Giới quan sát quân sự đang hướng nhiều sự chú ý vào mức độ sẵn sàng của hải quân Mỹ trong vận hành một biến thể tàu sân bay của chiếc phi cơ tiêm kích F-35C - tiêm kích cơ tấn công hỗn hợp. Hải quân Mỹ công bố năng lực tác chiến ban đầu của F-35C vào đầu năm 2019. Cả hải quân Mỹ và thủy quân lục chiến Mỹ đều lái F-35C. Thủy quân lục chiến Mỹ cũng vận hành phi cơ F-35B cất cánh thẳng đứng, xuất phát từ căn cứ trên bộ cũng như từ tàu tác chiến đổ bộ có boong lớn.
F-35C có tiềm năng cách mạng hóa không chỉ hoạt động không quân mà còn cả cách thức toàn bộ Hạm đội tác chiến. Tầm bay, mức độ tàng hình, và các cảm biến hiện đại của F-35C sẽ cho phép không quân hải quân Mỹ đạt được ưu thế trên không trước các lực lượng không quân đối phương đông đảo hơn về số lượng. Chính các đặc điểm này cộng với năng lực tác chiến điện tử và khả năng chia sẻ dữ liệu với các phi cơ F-35 khác sẽ cho phép lực lượng được trang bị F-35C đối đầu với các mục tiêu được bảo vệ chặt chẽ nhất, tạo hành lang cho máy bay cường kích hoàn thành nhiệm vụ.
Hoạt động như một cảm biến tiền phương tàng hình, F-35C có thể hỗ trợ các tên lửa tầm xa của hải quân Mỹ cũng như lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa. Khi được nâng cấp thêm gói phần mềm Block 4, máy bay F-35 sẽ có năng lực triển khai thêm vũ khí, với khả năng tác chiến điện tử tăng cường.
Bộ phận chủ lực của không quân tàu sân bay là tiêm kích đa nhiệm F/A-18E/F Super Hornet. Được triển khai lần đầu vào năm 1995, Super Hornet đã trải qua vài nâng cấp giúp nó duy trì được vị trí là tiêm kích cơ và cường kích cơ hàng đầu.
Phiên bản mới nhất của Super Hornet là Super Hornet Block III, vừa mới được đưa vào hoạt động. Block III bao gồm 5 cải tiến lớn: Một hệ thống buồng lái tiên tiến; bình nhiên liệu bảo giác; một máy tính phi vụ mới; một kết nối dữ liệu nhắm bắn chiến thuật; và tiết diện tiếp xúc radar được giảm xuống. Hiện đang có kế hoạch bổ sung cảm biến tìm và dò bằng hồng ngoại tầm xa để hỗ trợ phát hiện máy bay đối phương theo cách thụ động.
Các cải tiến này sẽ giúp Super Hornet hoạt động bên cạnh F-35C và vượt xa đối thủ cả về mức cơ động và hỏa lực.
Nhánh không quân tàu sân bay cũng sở hữu một số nền tảng theo dõi và chỉ huy tối tân - Hawkeye Tiên tiến E-2D. Radar mới APY-9 của hệ thống Hawkeye này là bước nhảy vọt 2 thế hệ xét về năng lực. Thiết bị này sẽ mang lại khả năng theo dõi và đeo bám đa mục tiêu với chất lượng cao cả trên bộ và trên biển. Một điều quan trọng không kém là E-2D có một bộ chỉ huy, kiểm soát, và liên lạc cho phép nó hỗ trợ hiệp đồng tác chiến đến một loạt hệ thống vũ khí, bao gồm cả vũ khí do các quân chủng khác sử dụng.
Hai nền tảng khác hoàn thiện việc chuyển đổi nhánh không quân tàu sân bay. Đó là máy bay CMV-22B Osprey vốn được thủy quân lục chiến Mỹ dùng trong nhiều năm, và phi cơ không người lái MQ-25A Stingray, sẽ được dùng để tiếp nhiên liệu cho bộ phận còn lại của nhánh không quân.