1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Muốn phế truất ông Trump: Nước cờ mạo hiểm của phe Dân chủ

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng nghi ngại về khả năng thành công cho tuyên bố bắt đầu quá trình luận tội Tổng thống Donald Trump của đảng Dân chủ.

Hôm 26-9 (giờ địa phương), trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra cảnh báo nếu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vẫn bất chấp khởi động quy trình luận tội ông, các thị trường chứng khoán Mỹ sẽ gặp hậu quả thảm khốc.

Được biết thông điệp trên được gửi đi trong bối cảnh bà Pelosi ngày 24-9 tuyên bố sẽ mở điều tra luận tội ông chủ Nhà Trắng với cáo buộc gây sức ép để Ukraine điều tra cựu phó tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ, vốn sẽ là đối thủ nặng ký của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 và con trai ông - Hunter Biden.

Đảng Dân chủ nói gì?

Trước sức ép của công luận, Nhà Trắng ngày 25-9 đã buộc phải công bố bản ghi chép nội dung cuộc gọi giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 25-7. Đây được cho là mục tiêu tâm điểm trong các cáo buộc của đảng Dân chủ nhằm vào Tổng thống Trump.

Theo nội dung được công khai, ông Trump được cho là đã đưa ra yêu cầu với ông Zelensky điều tra việc mà ông cho là ông Biden đã lạm quyền để giúp Burisma, công ty năng lượng Ukraine, nơi con trai Hunter Bide là thành viên ban điều hành, không bị truy tố vào năm 2016.

Ông Trump nói ông Biden khi đó đã đe dọa Tổng thống Ukraine Petro Peroshenko rằng Mỹ sẽ rút lại cam kết cho vay một tỉ USD, trừ khi Tổng chưởng lý Victor Shokin, người giám sát cuộc điều tra Burisma, bị cách chức. Ông Shokin chính thức bị Quốc hội Ukraine bãi nhiệm vào tháng 3-2016. Sở dĩ ông Trump bị cho là gây sức ép lên tổng thống Ukraine là vì cùng lúc cuộc điện đàm diễn ra, Washington đang hoãn lại khoản viện trợ gần 400 triệu USD cho Ukraine, bao gồm 250 triệu USD viện trợ quân sự và 141 triệu USD từ Bộ Ngoại giao Mỹ, theo đài CNN.

“Tổng thống phải chịu trách nhiệm. Không ai đứng trên luật pháp” - Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi phát biểu hôm 24-9, khẳng định các hành động của Tổng thống Trump làm tổn hại an ninh quốc gia và hoàn toàn vi hiến khi tìm sự giúp đỡ của nước ngoài để làm hại đối thủ chính trị.

Muốn phế truất ông Trump: Nước cờ mạo hiểm của phe Dân chủ - 1

Cuộc đối đầu giữa Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Tổng thống Donald Trump được đánh giá sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho đảng Dân chủ. Ảnh: AP

Lập trường của ông Trump và ông Zelensky

Đáp trả các cáo buộc từ đảng Dân chủ, bình luận, Tổng thống Trump tiếp tục phủ nhận đã gây áp lực lên tổng thống Ukraine và gọi cuộc điều tra là “màn săn phù thủy lớn nhất lịch sử Mỹ” trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp Liên Hiệp Quốc ngày 25-9.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây cũng công khai bác bỏ những lo ngại rằng người đồng cấp Mỹ ép buộc ông tiến hành điều tra các đối thủ chính trị. “Tôi không muốn dính líu đến các bầu cử ở Mỹ (...) Chúng tôi là một quốc gia độc lập và có một hệ thống công tố độc lập. Tôi không thể thúc ép bất cứ ai” - ông Zelensky phát biểu.

Tim Murtaugh, giám đốc truyền thông cho chiến dịch của ông Trump, cũng lập luận rằng đảng Dân chủ cố gắng khai thác vụ này chỉ để đảo ngược chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. “Họ luôn muốn luận tội ông ấy và luôn bới móc để tìm một cái cớ” - ông Murtaugh nói.

Một nguồn tin giấu tên thân cận với ông Trump nói tổng thống không hề lo lắng trước những gì đang diễn ra. “Tổng thống giống như Rocky Balboa (nhân vật vận động viên đấm bốc nổi tiếng trong phim Mỹ). Ông ấy có thể đỡ được những cú đấm điệu nghệ hơn bất cứ ai và phản đòn. Ông ấy sẽ vô hiệu hóa những cú đánh và đứng xem Biden ngã xuống” - nguồn tin nói.

Ở một mức độ nào đó, vấn đề luận tội ông Trump giúp ích cho ông Biden, bởi nó khiến tổng thống trông như đang e sợ ông này. Nhưng Tổng thống Trump đã chứng tỏ ông có khả năng kéo người khác xuống bùn cùng mình và điều này rất có thể sẽ xảy ra với Biden.

TS KYLE KONDIK, ĐH Virginia (Mỹ)

Đảng Dân chủ mạo hiểm

Theo tờ The New York Times, có ít nhất 218 thành viên đảng Dân chủ có ghế trong Hạ viện đã công khai ủng hộ quá trình điều tra luận tội. Nghị sĩ Justin Amash, bang Michigan, cựu thành viên đảng Cộng hòa, giờ đã trở thành nghị sĩ độc lập cũng kêu gọi điều tra luận tội tổng thống, nâng tổng số người ủng hộ lên tới 219 người, quá bán so với 435 thành viên Hạ viện.

Tuy nhiên, bản luận tội điều tra ông Trump cần phải nhận được đa số phiếu ủng hộ trong Hạ viện Mỹ trước khi được gửi tới Thượng viện. Trong số các nghị sĩ ủng hộ, có người nêu rõ tán thành điều tra nhưng vẫn chờ kết quả rõ ràng trước khi quyết định có bỏ phiếu luận tội ông Trump hay không.

Thậm chí nếu Hạ viện có thể thông qua được bản điều tra luận tội thì sẽ rất khó để được Thượng viện phê duyệt khi chiếm đa số trong Thượng viện là các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Đó là một trong những lý do có sự chia rẽ chính trị trong đảng Dân chủ, cũng như lý do tại sao bà Pelosi đã nhiều lần tránh kêu gọi thành viên đảng Dân chủ tiến hành điều tra luận tội tổng thống.

Ngoài ra, với cái bóng của cuộc điều tra luận tội ông Trump đang phủ lên chính trường Mỹ, nhiều chuyên gia đánh giá những ứng viên tranh cử đảng Dân chủ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút sự chú ý của dư luận vào các vấn đề chính sách họ nêu ra trong cuộc đua vào Nhà Trắng, từ y tế cho tới tình trạng bất bình đẳng thu nhập. “Các cuộc tranh luận của đảng Dân chủ tới nay thực sự chỉ tập trung vào chính sách. Tôi nghĩ giờ đây vấn đề luận tội sẽ chiếm lĩnh sân khấu chính” - PGS Erin O’Brien, ĐH Massachusetts (Mỹ), nhận xét.

Doug Heye, chiến lược gia đảng Cộng hòa từng làm việc với các lãnh đạo Quốc hội, cho rằng: “Với các ứng viên tranh cử tổng thống đảng Dân chủ, việc truyền thông điệp đề cao đột phá về y tế và kinh tế sẽ khó khăn hơn rất nhiều (…) Luận tội sẽ trở thành chủ đề chính trong thời gian dài sắp tới”.

Quá trình luận tội được thực hiện như thế nào?

Theo hãng tin AP, chỉ ba người tiền nhiệm của ông Trump (tổng thống Mỹ thứ 45) đã trải qua tiến trình tương tự. Theo Điều 2 Mục 4 của Hiến pháp Mỹ, tổng thống và các quan chức chính phủ khác có thể “bị phế truất khi bị luận tội về hành vi phản quốc, hối lộ và các tội nặng, nhẹ khác”.

Bước đầu tiên để luận tội sẽ được thực hiện bởi Hạ viện. Nếu Hạ viện chấp thuận đưa ra những cáo buộc nhằm vào tổng thống, quá trình luận tội sẽ tiếp tục ở Thượng viện - nơi tổ chức một phiên tòa để xác định tội lỗi của tổng thống. Trong phiên tòa, các thành viên Hạ viện sẽ đóng vai trò là công tố viên, các thượng nghị sĩ là bồi thẩm đoàn, chánh án Tòa án Tối cao Mỹ làm chủ tọa. Nếu muốn kết tội và phế truất tổng thống, quyết định phải nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ tại Thượng viện gồm 100 nghị sĩ. Kết quả này chưa từng xảy ra trong lịch sử Mỹ. 

Theo Vĩ Cường

Pháp luật TP.HCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm