1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Trump có thể đối mặt quy trình luận tội như thế nào?

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump có thể sẽ phải đối mặt với một quá trình luận tội cụ thể với các bước được quy định rõ ràng trong hiến pháp Mỹ.

Ông Trump có thể đối mặt quy trình luận tội như thế nào? - 1

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AP)

Một số tiếng nói chỉ trích Tổng thống Donald Trump tại Hạ viện Mỹ đang kêu gọi mở một cuộc điều tra luận tội ông chủ Nhà Trắng. Mục đích của động thái này nhằm xác định xem liệu ông Trump có tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài để hạ bệ đối thủ chính trị hay không.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 24/9 thông báo, Hạ viện sẽ chính thức mở một cuộc điều tra nhằm mở đường cho tiến trình luận tội đối với Tổng thống Trump.

Quyết định trên được đưa ra sau khi xuất hiện các thông tin cho rằng, ông Trump đã gây sức ép với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong một cuộc điện đàm hôm 25/7. Tổng thống Mỹ bị cho là đã đề nghị Ukraine mở một cuộc điều tra đối với cựu Phó Tổng thống và hiện cũng là ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden cùng con trai của ông.

Một số nghị sĩ Dân chủ nói rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm cách luận tội Tổng thống Trump nếu ông gây sức ép với một nhà lãnh đạo nước ngoài để tác động tới tiến trình bầu cử Mỹ.

Tổng thống Trump thừa nhận ông đã trao đổi với người đồng cấp Ukraine về ông Biden. Tuy nhiên, ông Trump khẳng định cuộc trao đổi này hoàn toàn bình thường và ông không hề gây sức ép với Tổng thống Zelenskiy về việc điều tra ông Biden.

Các cuộc thăm dò dư luận tiếp tục cho thấy, các cử tri hiện vẫn chia rẽ sâu sắc về việc có nên bãi nhiệm Tổng thống Trump khỏi Nhà Trắng bằng con đường luận tội hay không. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi từng phản đối luận tội vì cho rằng đây là một động thái rủi ro về mặt chính trị, trừ khi các nhà điều tra tìm thấy bằng chứng thuyết phục về hành vi sai trái của ông Trump và dư luận đồng tình với điều này.

Tại sao luận tội tổng thống?

Khi thiết lập vị trí tổng thống, các nhà lập quốc Mỹ đã lo sợ rằng quyền lực của tổng thống có thể bị lạm dụng. Do vậy, họ đã đưa quy định luận tội như một nội dung trọng tâm của hiến pháp Mỹ.

Họ trao cho Hạ viện “quyền lực luận tội duy nhất”, Thượng viện “quyền lực xét xử các vụ luận tội duy nhất” và Chánh án Tòa án Tối cao nghĩa vụ chủ trì phiên xử luận tội ở Thượng viện.

Theo Hiến pháp, tổng thống Mỹ có thể bị bãi nhiệm vì các tội “phản quốc, hối lộ, các tội nghiêm trọng hoặc các tội nhẹ hơn”. Hiến pháp Mỹ không quy định cụ thể các tội này là gì. Chúng có thể bao gồm tội tham nhũng hoặc các hành vi vi phạm khác như nỗ lực cản trở quy trình pháp lý.

Chưa có tổng thống nào của Mỹ bị cách chức do bị luận tội. Tổng thống Richard Nixon đã từ chức trước khi ông có nguy cơ bị cách chức do luận tội. Các Tổng thống Andrew Johnson và Bill Clinton từng bị Hạ viện luận tội, nhưng họ không bị Thượng viện kết tội.

Quy trình luận tội diễn ra như thế nào?

Quy trình luận tội bắt đầu tại Hạ viện, nơi diễn ra các cuộc tranh luận và bỏ phiếu về việc có nên quy kết cáo trạng đối với tổng thống hay không, thông qua việc phê chuẩn nghị quyết luận tội, hoặc các điều khoản luận tội mà chỉ cần đa số trong tổng số 435 thành viên của Hạ viện tán thành.

Nếu Hạ viện chấp thuận một nghị quyết như vậy, một phiên xét xử sẽ được tổ chức tại Thượng viện. Các thành viên Hạ viện đóng vai trò như công tố viên, trong khi các thượng nghị sĩ làm bồi thẩm đoàn, còn Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ làm chủ tọa. Cần phải có 2/3 trong số 100 thành viên của Thượng viện bỏ phiếu thông qua để kết án và bãi nhiệm tổng thống. Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ xảy ra.

Tòa án Tối cao có thể đảo ngược kết quả không?

Không. Tổng thống Trump đã viết trên Twitter rằng ông sẽ yêu cầu Tòa án Tối cao can thiệp nếu đảng Dân chủ cố gắng tìm cách luận tội ông. Tuy nhiên các nhà lập quốc tại Mỹ không cho phép việc kháng cáo một bản án của Thượng viện lên cơ quan tư pháp liên bang.

Cơ cấu các đảng của Quốc hội Mỹ như thế nào?

Hạ viện Mỹ có 235 nghị sĩ Dân chủ, 199 nghị sĩ Cộng hòa và một nghị sĩ độc lập. Do vậy, đảng Dân chủ có thể luận tội Tổng thống Trump mà không cần sự ủng hộ của đảng Cộng hòa.

Năm 1998, khi đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện, cơ quan này đã bỏ phiếu chủ yếu theo số đông đảng phái để luận tội Tổng thống Bill Clinton của đảng Dân chủ.

Thượng viện Mỹ hiện có 53 nghị sĩ Cộng hòa, 45 nghị sĩ Dân chủ và hai nghị sĩ độc lập bỏ phiếu theo Đảng Dân chủ. Việc kết tội và bãi nhiệm tổng thống sẽ cần 67 phiếu thông qua. Do vậy, để bãi nhiệm Tổng thống Trump thông qua luận tội, cần ít nhất 20 nghị sĩ Cộng hòa và tất cả nghị sĩ Dân chủ cùng nghị sĩ độc lập bỏ phiếu chống lại ông Trump.

Ai sẽ trở thành Tổng thống nếu ông Trump bị cách chức?

Trong trường hợp Thượng viện kết tội Tổng thống Trump, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ trở thành tổng thống trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, dự kiến kết thúc vào ngày 20/1/2021.

Thành Đạt

Theo Reuters