1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mua 300 máy bay Airbus, ông Tập Cận Bình nhắn gửi Mỹ giữa “khủng hoảng Boeing”

(Dân trí) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể gửi thông điệp tới Mỹ khi đặt mua 300 máy bay Airbus trong lúc căng thẳng Mỹ - Trung vẫn chưa hạ nhiệt và Boeing đang đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Ông Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký kết mua 300 máy bay Airbus
Mua 300 máy bay Airbus, ông Tập Cận Bình nhắn gửi Mỹ giữa “khủng hoảng Boeing” - 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký kết giữa lãnh đạo của Airbus và công ty hàng không Trung Quốc tại Điện Elysee, Paris ngày 25/3. (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận được sự đón tiếp nồng ấm từ nước chủ nhà trong chuyến thăm nhà nước tới Pháp ngày 25/3. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận giữa Trung Quốc và hãng sản xuất máy bay hàng đầu châu Âu Airbus.

Thông báo từ văn phòng tổng thống Pháp cho biết, Airbus đã đồng ý bán cho Trung Quốc tổng cộng 300 máy bay. Thỏa thuận giữa công ty cổ phần Vật tư Hàng không Trung Quốc và Airbus gồm 290 máy bay A320 vào 10 máy bay A350 thân rộng.

Thỏa thuận được ký giữa Trung Quốc và Airbus không đề cập cụ thể tới giá của 300 máy bay này. Tuy nhiên, các quan chức Pháp ước tính giá trị thỏa thuận vào khoảng 30 tỷ euro (khoảng 34 tỷ USD).

“Chúng tôi rất vinh dự được hỗ trợ cho sự phát triển của ngành hàng không dân dụng Trung Quốc bằng các dòng máy bay hàng đầu của chúng tôi. Sự hiện diện ngày càng mở rộng của chúng tôi tại Trung Quốc đã cho thấy niềm tin lâu dài của chúng tôi đối với thị trường Trung Quốc cũng như các cam kết lâu dài của chúng tôi với Trung Quốc và các đối tác”, chủ tịch tập đoàn máy bay thương mại Airbus Guillaume Faury nói.

Giá trị đơn hàng giữa Airbus và Trung Quốc năm nay cũng tương đương với thỏa thuận mà Trung Quốc từng ký với Boeing khi đặt mua 300 máy bay từ nhà sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Bắc Kinh năm 2017.

Tuy nhiên trong bối cảnh xảy ra cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc không ký thêm hợp đồng lớn nào với Boeing để mua máy bay trong suốt một năm qua.

Thỏa thuận bán 300 máy bay của Airbus cho Trung Quốc được ký khi Boeing, một đối thủ lớn của Airbus, đang tắt dần hy vọng về những đơn hàng giá trị trong tương lai sau hai vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX.

Mua 300 máy bay Airbus, ông Tập Cận Bình nhắn gửi Mỹ giữa “khủng hoảng Boeing” - 2

Tổng thống Macron chủ trì bữa tiệc đón Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân tại Pháp. (Ảnh: Reuters)

737 MAX, dòng máy bay được xem là “con cưng” của Boeing, vẫn đang bị cấm bay tại nhiều nước trên thế giới, trong khi quan hệ thương mại Mỹ - Trung vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề phức tạp.

Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa thỏa thuận mua máy bay của Trung Quốc và Airbus với quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung và việc dừng bay Boeing 737 MAX toàn cầu. Tuy vậy, giới quan sát Trung Quốc cho biết Bắc Kinh thường có “truyền thống” phát đi các tín hiệu ngoại giao hoặc chấm dứt hợp tác với nhà cung cấp nào đó thông qua các thỏa thuận mua máy bay của nhà nước.

Trước đó, Trung Quốc là nước đầu tiên ra lệnh cấm bay đối với dòng máy bay Boeing 737 MAX sau khi xảy ra vụ rơi máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines khiến hơn 100 người thiệt mạng hồi đầu tháng.

Khi được hỏi liệu có phải các cuộc đàm phán với Trung Quốc về thỏa thuận mua máy bay được đẩy nhanh do dòng máy bay Boeing 737 MAX đang bị đình chỉ cũng như các vấn đề khác hay không, lãnh đạo Airbus Guillaume Faury cho biết: “Mối quan hệ lâu dài với các đối tác Trung Quốc đã tiến triển qua thời gian và đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy sự tin cậy”.

Theo giới phân tích, việc Trung Quốc đặt mua 300 máy bay Airbus được cho là cách để ông Tập Cận Bình “lấy lòng” châu Âu trong bối cảnh các nước trong khu vực này vẫn luôn hoài nghi về khoản đầu tư của Bắc Kinh ở nước ngoài trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Nhiều nước đồng minh châu Âu đã cảnh báo Italy khi nước trở thành quốc gia G7 đầu tiên ký gia nhập Vành đai và Con đường trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Rome tuần trước.

Thành Đạt

Theo NBC