Italy gia nhập “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc bất chấp cảnh báo của đồng minh
(Dân trí) - Italy đã chính thức trở thành quốc gia đầu tiên của G7 tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, bất chấp mọi lời cảnh báo từ Mỹ và các đồng minh châu Âu.
Ngày 23/3, Italy đã “bỏ ngoài tai” mọi lời kêu gọi và cảnh báo từ các đồng minh ở Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ khi chính thức gia nhập đại dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại lễ ký kết có sự tham gia của Chủ tịch Tập Cận Bình. Động thái này là kết quả của sự chuyển dịch cán cân địa chính trị và sự sẵn sàng của chính quyền dân túy Italy trong việc tách rời các đối tác truyền thống.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte khẳng định cam kết gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ “xây dựng một mối quan hệ tốt hơn” giữa Trung Quốc và Italy.
Italy trở thành quốc gia đầu tiên của G7, nhóm gồm 7 quốc gia từng “thống trị” nền kinh tế toàn cầu, tham gia Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Sáng kiến này mang lại những khoản đầu tư khổng lồ về cơ sở hạ tầng nhằm phân bổ hàng hóa và nguồn lực của Trung Quốc ra toàn châu Á, châu Phi và châu Âu.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm cách để ngăn Italy ký gia nhập Vành đai và Con đường, song rốt cuộc vẫn thất bại. Nhiều ngày trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Italy, Washington đã nỗ lực để ngăn Italy sử dụng bất kỳ mạng lưới 5G không dây nào do Huawei, tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, phát triển. Mỹ cảnh báo Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ 5G để tiến hành hoạt động do thám.
Đứng trước quốc kỳ Italy, Trung Quốc và Liên minh châu Âu, một loạt bộ trưởng và lãnh đạo doanh nghiệp của hai nước đã ký 29 thỏa thuận hợp tác, đánh dấu chuyến thăm thành công của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Rome - nơi nhà lãnh đạo Trung Quốc được tiếp đón như một đồng minh đáng trân trọng và một “nhà chinh phục”.
Biên bản ghi nhớ được ký chính thức hôm qua đã cung cấp một thỏa thuận khung đối với các thỏa thuận thương mại trị giá hàng tỷ euro giữa các công ty được nhà nước hậu thuẫn tại Italy và Trung Quốc.
Tuy vậy, theo giới phân tích, điều quan trọng hơn cả là ý nghĩa biểu tượng của văn kiện này. Nó đã đánh dấu tầm ảnh hưởng sụt giảm của Mỹ, cho thấy một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và hé lộ căng thẳng giữa các đồng minh sáng lập của Liên minh châu Âu.
Quan điểm trái chiều
Ông Tập và ông Conte chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác. (Ảnh: AFP)
Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini, chính trị gia quyền lực nhất Italy, đã vắng mặt trong lễ ký cam kết với Trung Quốc. Nhiều tuần trước đó, ông Matteo đã công khai thể hiện lập trường liên minh với Mỹ và hoài nghi về cam kết với Trung Quốc, song ông không tìm cách ngăn chặn cam kết này.
Sau lễ ký kết, ông Matteo một lần nữa công kích quan điểm cho rằng Trung Quốc là “thị trường tự do”. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận rằng, ông cảm thấy hài lòng miễn là cam kết với Trung Quốc đảm bảo được lợi ích của Italy.
Chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc lễ ký kết bằng màn bắt tay với Thủ tướng Conte trước khi đáp chuyến bay tới Palermo, thành phố cảng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các khoản đầu tư, du lịch của Trung Quốc và xuất khẩu cam sang thị trường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Sau khi được nước chủ nhà Italy đón tiếp nồng hậu với quốc yến và kỵ binh tháp tùng, ông Tập Cận Bình có thể sẽ được chào đón đơn giản hơn vào ngày 24/3 khi ông tới thăm thành phố Nice, Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angele Merkel và các đại diện của Liên minh châu Âu sẽ gặp ông Tập tại Pháp. Họ sẽ thể hiện một “mặt trận thống nhất” nhằm phản đối điều mà họ gọi là “sự cứng rắn, gây rắc rối và mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế” của Trung Quốc tại châu Âu.
Tuần trước, khi Chủ tịch Tập Cận Bình gặp các nhà lãnh đạo Italy, Tổng thống Macron đã tuyên bố chấm dứt “thời kỳ ngây thơ của châu Âu” với Trung Quốc, đồng thời tìm cách tăng cường luật lệ để bảo vệ các ngành kinh tế chiến lược của châu Âu. Các nhà lãnh đạo châu Âu đòi hỏi cách tiếp cận minh bạch và có đi có lại nhiều hơn từ phía Trung Quốc. Họ cũng tìm cách thuyết phục thủ tướng Italy rằng ông đang mắc sai lầm nghiêm trọng khi gia nhập sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trong khi đó, Italy, quốc gia đang gánh trên vai những khoản nợ lớn, vẫn hy vọng có thể vực dậy nền kinh tế đang bị đình trệ của nước này bằng việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, đồng thời kêu gọi thêm các khoản đầu tư từ Bắc Kinh.
Những người phản đối cam kết Trung Quốc - Italy trong chính quyền Trump và Liên minh châu Âu lo ngại rằng Italy đã tự biến mình thành một “con ngựa thành Troy” khi cho phép cánh tay nối dài của Trung Quốc về kinh tế, thậm chí có thể cả về chính trị và quân sự, vươn tới “trái tim” của châu Âu.
Lo ngại quá mức?
Italy dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân sự đón tiếp nồng hậu. Trong ảnh: Kỵ binh dẫn đường cho xe chở nhà lãnh đạo Trung Quốc tới cung điện Quirinale ngày 22/3. (Ảnh: EPA)
Italy nói rằng các đồng minh của họ đã thổi phồng câu chuyện.
Michele Geraci, nhà đàm phán hàng đầu của Italy về cam kết với Trung Quốc đồng thời là thứ trưởng phụ trách phát triển kinh tế, cho biết Italy sẽ tránh nguy cơ bẫy nợ của Trung Quốc. Ông Geraci khẳng định luật của Italy cũng cấm người nước ngoài giành quyền kiểm soát các cảng của nước này như cách Trung Quốc từng làm tại Piraeus, Hy Lạp.
Cũng theo ông Geraci, nhiều đối tác châu Âu của Italy cũng từng mở cửa đón Trung Quốc thông qua các thỏa thuận làm ăn trị giá hàng tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, Italy cũng đã mở rộng thẩm quyền pháp lý để bảo vệ nước này trước tham vọng thâu tóm của Trung Quốc, đặc biệt trong những ngành liên quan tới an ninh quốc gia.
“Tôi hiểu Trung Quốc rất rõ và chúng tôi có khả năng phát hiện bất kỳ nguy cơ nào tốt hơn những người khác”, ông Geraci, người từng sống tại Trung Quốc 10 năm, cho biết.
Ngay cả những người chỉ trích chính quyền Italy cũng thừa nhận rằng, cam kết gia nhập Vành đai và Con đường sẽ mở ra cho Italy cơ hội để theo kịp Đức và Pháp - hai nước có quan hệ làm ăn với Trung Quốc mạnh hơn cả Italy.
“Đây là điều tích cực. Đó là cuộc cạnh tranh giữa các nước châu Âu”, cựu Thủ tướng Italy Romano Prodi nói.
Trung Quốc cũng nhận ra những cơ hội tích cực tại các cảng biển của Italy - nơi sẽ kết nối với các tuyến đường sắt chạy thẳng tới trung tâm của khu vực Trung Âu. Tuy vậy, điều quan trọng đối với Bắc Kinh bây giờ là việc Italy sẵn sàng chào đón họ tới nước này.
Zeno D’Agostino, chủ tịch cơ quan điều hành cảng tại thành phố Trieste và là người ký một trong các thỏa thuận với Trung Quốc tại Rome, việc Italy chuyển sang hợp tác với Trung Quốc là điều dễ hiểu vì chính quyền Trump đã tự rút Mỹ khỏi bàn cờ quốc tế.
Thành Đạt
Theo New York Times