Đây có thể coi là thỏa thuận lịch sử, kết thúc gần 12 năm đàm phán đầy gian truân, mở ra cơ hội mới cho các mối quan hệ quốc tế, đẩy lùi nguy cơ xung đột bùng phát ở khu vực đã có quá nhiều bạo lực.
Nhìn lại những ngày đàm phán vừa qua, có thể thấy quả là không dễ dàng gì để đi tới thỏa thuận cuối cùng được các bên trông đợi. Diễn biến đầy kịch tính ở giai đoạn đàm phán nước rút đã làm nảy sinh tâm lý bi quan rằng khó mà đạt được mục tiêu vào thời điểm này, bởi các bên đều quyết bảo vệ đến cùng giới hạn đỏ của riêng mình đặt ra và không muốn bên kia vi phạm. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng cho thấy, các đối tác đàm phán đều cố tìm kiếm một thỏa thuận “chất lượng”, hơn là chấp nhận một thỏa thuận chỉ nhằm để tuân thủ thời hạn chót. Những gì còn tranh cãi vào phút chót kỳ thực chỉ là những toan tính của cả hai phía cốt sao để chỉ phải nhượng bộ ít nhất, nên vấn đề còn lại chỉ là thời gian.
Toàn cảnh phiên họp của các Ngoại trưởng P5+1 tại Vienna ngày 13-7. (Nguồn: THX/TTXVN)
Rõ ràng, vào thời điểm hiện nay, một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng là lựa chọn cần thiết với cả hai vì trong cuộc đối đầu này chẳng ai được lợi gì. Nếu cuộc khủng hoảng kinh tế do lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây giáng mạnh vào Iran thì các nhà đầu tư của Mỹ và phương Tây cũng thiệt hại không nhỏ khi họ không thể tiếp cận thị trường giàu tiềm năng như Iran. Vả lại, hơn lúc nào hết, Tổng thống B.Obama đang sốt sắng ghi dấu ấn nhiệm kỳ bằng một thành tích đối ngoại ấn tượng với việc hóa giải những mâu thuẫn dai dẳng hao tâm, tổn sức với Iran.
Và điều quan trọng nhất là cả Washington và phương Tây đều đang cần tới vai trò của Iran để bình ổn tình hình rối ren ở Trung Đông. Tehran đang nắm giữ chìa khóa có thể giúp mở thông các bế tắc cho các vấn đề lớn ở khu vực như cuộc xung đột ở Syria, Iraq hay cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Theo thỏa thuận mới đạt được, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc áp đặt lên Iran sẽ được dỡ bỏ, đổi lại, Tehran chấp nhận hạn chế chương trình phát triển hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ nhằm mục đích chế tạo bom nguyên tử. Iran cũng sẽ cho phép việc thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này, cụ thể là cho phép các thanh sát viên Liên hợp quốc tới giám sát các cơ sở quân sự.
Lệnh trừng phạt có thể khôi phục trong 65 ngày nếu Iran vi phạm thỏa thuận đã được thống nhất với 6 cường quốc thế giới. Bên cạnh đó, lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc tiếp tục duy trì trong 5 năm và lệnh cấm Iran mua công nghệ đạn đạo sẽ duy trì trong 8 năm nữa.
Thỏa thuận giữa Iran và P5+1 sẽ chính thức có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết chấp thuận thỏa thuận này.
Có thể khẳng định, thỏa thuận đạt được sẽ giúp nước này thoát khỏi tình trạng cô lập, mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ giữa I-ran với thế giới và khu vực. Đây còn được đánh giá là thỏa thuận tốt với Iran vì nước này vẫn tiếp tục được phép làm giàu urani tại các nhà máy lớn, đồng thời tiếp tục chương trình nghiên cứu, phát triển các máy ly tâm chính nhưng dưới sự giám sát chặt chẽ của Liên hợp quốc.
Còn với Mỹ và phương Tây, thỏa thuận trên không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho chính những nước này mà còn giúp họ kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran, tránh phải lâm vào cuộc chiến mới với chi phí tốn kém tại Trung Đông. Đặc biệt, với chính quyền Tổng thống Obama, việc đạt được thỏa thuận thông qua đàm phán đã góp phần khẳng định sự lựa chọn chính sách đối ngoại không thiên về vũ lực, hạn chế can dự là đúng hướng.
Hẳn chưa thể quên những giai đoạn căng thẳng giữa Mỹ và Tehran lên đến cao trào liên quan tới vấn đề hạt nhân, tưởng chừng có thể bùng nổ chiến tranh. Nhưng cuối cùng, giải pháp thương lượng ngoại giao vẫn được lựa chọn cho dù hết lần này tới lần khác, các vòng đàm phán bị đổ vỡ và bế tắc. Với việc đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran bằng đàm phán, Tổng thống Mỹ đã chứng tỏ tuyên bố tại lễ nhậm chức năm 2009 rằng “chúng tôi sẽ chìa bàn tay ra với các vị nếu các vị sẵn sàng từ bỏ nắm đấm của mình” không phải là lời nói suông.
Trên bình diện quốc tế, thỏa thuận sẽ tạo tiền lệ tốt cho thế giới. Nó cho thấy biện pháp ngoại giao và hợp tác có thể giúp vượt qua những căng thẳng và đối đầu cho dù phức tạp tới đâu. Nó cũng mở ra hy vọng giải quyết các “điểm nóng” của thế giới bằng con đường hòa bình, phi bạo lực. Với những diễn biến trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba, có thể hy vọng thỏa thuận trên sẽ tạo tiền đề cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Iran vốn bị cắt đứt từ năm 1980.
Tổng thống Iran, Hasan Rouhani tuyên bố, thỏa thuận sẽ mở ra “những chân trời mới” trong quan hệ giữa Iran và phương Tây. Thậm chí, người ta trông đợi mối quan hệ ấy sẽ được bắt đầu bằng “cái bắt tay” hợp tác để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Iraq và Syria. Đặc biệt, thỏa thuận được dự đoán sẽ đưa tới việc hình thành một liên minh rộng lớn ở khu vực để chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố.
Dù các “cánh cửa hẹp” đã được mở toang nhưng cũng cần thận trọng nhìn vào thực tế rằng chưa hẳn đã hết rủi ro. Không loại trừ trong 60 ngày tới, Quốc hội Mỹ sẽ bác bỏ thỏa thuận cuối cùng này nếu phe phản đối tập hợp đủ số phiếu cần thiết. Nhân tố Israel - quốc gia láng giềng của Iran luôn kịch liệt phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng có ảnh hưởng không nhỏ vì nước này đã phát đi tín hiệu sẽ vận động Quốc hội Mỹ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận này.
Nỗ lực của ông Obama chỉ thành công trọn vẹn khi thỏa thuận được Quốc hội Mỹ thông qua, và quan trọng không kém là thỏa thuận phải được các bên tuân thủ và thực thi đầy đủ. Tổng thống Obama sẽ phải tiếp tục đấu tranh để bảo vệ thành quả này nếu không muốn thỏa thuận bị đổ vỡ bởi các lệnh trừng phạt mới khắc nghiệt hơn nhằm vào Iran được Quốc hội Mỹ thông qua.
Theo Mỹ Hạnh
Quân đội Nhân dân