1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Một năm liên tục thử tên lửa, Triều Tiên hiện sở hữu kho vũ khí ra sao?

Thanh Thành

(Dân trí) - Triều Tiên đã bắn thử tên lửa với tốc độ chóng mặt trong năm nay, với nhiều đồn đoán rằng Bình Nhưỡng đang nỗ lực phát triển tên lửa có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ.

Một năm liên tục thử tên lửa, Triều Tiên hiện sở hữu kho vũ khí ra sao? - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại bãi thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào tháng 3/2022 (Ảnh: Reuters).

Từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đến vũ khí siêu thanh có khả năng né tránh hệ thống phòng thủ và tên lửa bắn từ tàu hỏa, tàu ngầm và bệ phóng di động trên bộ, Triều Tiên đã tiến hành số vụ thử tên lửa kỷ lục trong năm nay.

Bình Nhưỡng cũng được cho là đang chuẩn bị cho vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên sau 5 năm.

Đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, các vũ khí này - thứ mà ông vẫn quyết tâm theo đuổi bất chấp một số lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất thế giới - là yếu tố quan trọng để đảm bảo an ninh quốc gia trước bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào từ những quốc gia mà Bình Nhưỡng xem là "thế lực thù địch" như Mỹ và Hàn Quốc.

Và mặc dù nhà lãnh đạo 38 tuổi ban đầu tỏ ra cởi mở với việc giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng ông đã kiên quyết đóng cánh cửa đó vào tháng 9/2022, tuyên bố tình trạng của Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân là "không thể đảo ngược". Nhà lãnh đạo này cũng đã thông qua một luật mới quy định quyền sử dụng vũ khí hạt nhân phủ đầu.

"Thông qua các lệnh trừng phạt và phong tỏa, họ đang cố gắng dẫn dắt chúng tôi. Nhưng chúng tôi sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân theo cách riêng của mình", ông Kim Jong-un phát biểu tại một phiên họp của quốc hội hồi tháng 9. "Hãy để họ áp dụng các biện pháp trừng phạt trong 100, 1.000 ngày, hoặc thậm chí 10 năm hoặc 100 năm".

Chuẩn bị vụ thử hạt nhân thứ 7?

Bốn trong số sáu vụ thử hạt nhân của Triều Tiên diễn ra dưới thời chính quyền ông Kim Jong-un, người lên nắm quyền vào năm 2011.

Tất cả các vụ thử trên đều xảy ra tại địa điểm Punggye-ri, một khu vực miền núi ở tỉnh Bắc Hamgyong. Vụ thử đầu tiên vào tháng 10/2006 đo được chưa tới 1  kiloton, trong khi lần gần đây nhất vào tháng 9/2017 ước tính mạnh lên đến 250 kiloton. 

Một năm liên tục thử tên lửa, Triều Tiên hiện sở hữu kho vũ khí ra sao? - 2

Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên hồi tháng 10 (Ảnh: KCNA).

Các nhà khoa học nguyên tử ước tính, Bình Nhưỡng hiện có thể sở hữu đủ vật liệu phân hạch (vật liệu cốt lõi trong bom hạt nhân) để chế tạo 45 đến 55 vũ khí hạt nhân và hiện có thể đã lắp ráp được 20 đến 30 đầu đạn. Cũng có người tin rằng, con số còn có thể lớn hơn nhiều.

Thậm chí, các chuyên gia còn cho rằng, Triều Tiên chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân thứ bảy, giữa lúc các hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động đào các đường hầm và xây dựng các tòa nhà hỗ trợ tại bãi thử Punggye-ri.

Ông Vann Van Diepen, chuyên gia về vũ khí hủy diệt hàng loạt và không phổ biến vũ khí tại Trung tâm Stimson (Mỹ), cho rằng vụ thử dự kiến có thể liên quan đến việc kích nổ một đầu đạn hạt nhân với khối lượng lớn hơn quả bom trước đây. Hoặc nó có thể liên quan đến một đầu đạn "siêu nhỏ" và "siêu nhẹ" có thể được trang bị trên tên lửa tầm ngắn. Nếu có được năng lực này, Triều Tiên gắn nhiều đầu đạn như vậy trên một ICBM, cho phép một tên lửa tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc.

Chuyên gia trên cho biết, Triều Tiên có thể phải thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm nữa để có được một "vũ khí hạt nhân chiến thuật" như vậy.

Liệu Triều Tiên có thể tấn công đến lãnh thổ Mỹ?

Trong khi các nguồn tin cho rằng, Triều Tiên có hàng chục quả bom hạt nhân, không rõ liệu nước này đã có khả năng phóng những vũ khí đó tới các mục tiêu ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ hay không. Các chuyên gia cho biết, khả năng này phụ thuộc vào một số tiêu chí.

Thứ nhất, sở hữu tên lửa có thể phóng đến những khoảng cách đó, và thứ hai là có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân cho các tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa này. Các chuyên gia đánh giá Bình Nhưỡng hiện chỉ sở hữu năng lực thứ nhất.

Bình Nhưỡng tuyên bố đã có tên lửa có thể tấn công các nước láng giềng trong nhiều thập niên qua, và vào năm 2017, đã chứng minh năng lực phóng thử tên lửa đến tận lục địa Mỹ, với vụ thử thành công Hwasong-15, một tên lửa được cho là có tầm bắn 12.874km.

Hồi tháng 3, Triều Tiên cũng tuyên bố đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo cực lớn Hwasong-17 hay còn gọi là "tên lửa quái vật". Nhưng vẫn chưa chắc chắn liệu Triều Tiên có thể thu nhỏ bom hạt nhân để chúng có thể nằm gọn trong mũi tên lửa hay không.

Năm ngoái, một nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng, một quốc gia thành viên giấu tên đã đánh giá Triều Tiên thực sự có khả năng lắp đầu đạn hạt nhân trên tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Nếu điều này là sự thật, điều đó có nghĩa là Bình Nhưỡng có tên lửa phủ đầu hạt nhân có thể tấn công các nước láng giềng.

Nhưng vẫn còn những câu hỏi về khả năng tên lửa vươn tới Mỹ. Khía cạnh thứ ba này liên quan đến công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Các chuyên gia nhận định, vụ thử ICBM gần đây nhất của Triều Tiên được xem là đã thất bại, nhưng cho biết Bình Nhưỡng đang "tiếp tục thử nghiệm và cải thiện với tốc độ khá nhanh".

Theo Al Jazeera