1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Một loạt nguyên thủ châu Âu bất ngờ đến "chảo lửa" Kiev

Minh Phương

(Dân trí) - Thủ tướng Ba Lan, Slovenia và Cộng hòa Séc hôm nay 15/3 sẽ đến thủ đô Kiev để hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky giữa lúc chiến sự ở quốc gia này leo thang.

Một loạt nguyên thủ châu Âu bất ngờ đến chảo lửa Kiev - 1

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala và Thủ tướng Slovenia Janez Jansa - từ trái sang (Ảnh: AFP).

AFP dẫn thông cáo của chính phủ Ba Lan cho biết, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala và Thủ tướng Slovenia Janez Jansa sẽ đến thủ đô Kiev của Ukraine với tư cách đại diện của Hội đồng châu Âu.

"Chuyến thăm được tổ chức trên cơ sở tham vấn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Mục đích của chuyến thăm là khẳng định sự ủng hộ của toàn Liên minh châu Âu đối với độc lập và chủ quyền của Ukraine. Chuyến thăm cũng nhằm mục đích thể hiện sự ủng hộ đối với đất nước và nhân dân Ukraine", thông cáo cho hay.
Theo kế hoạch, các lãnh đạo châu Âu sẽ gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Ukraine Denis Shmyhal.

Chuyến thăm diễn ra giữa lúc chiến sự ở Ukraine leo thang. Lực lượng của Nga đang tăng cường bao vây, tấn công các thành phố lớn của Ukraine. Trong các bài phát biểu kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, Tổng thống Zelensky đã liên tục kêu gọi sự ủng hộ của phương Tây nhằm đối phó với đà tiến công của Nga.

Đến nay, nhiều nước phương Tây đã cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự cho Ukraine, đồng thời đưa ra các gói trừng phạt liên tiếp nhằm gây sức ép buộc Moscow chấm dứt chiến sự ở Ukraine.
Hội đồng châu Âu ngày 14/3 cho biết, sau khi "tham vấn các đối tác quốc tế", EU thông qua gói trừng phạt thứ 4 nhắm vào các cá nhân và thực thể liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine, cũng như một số lĩnh vực của nền kinh tế Nga".

Ngoài ra, EU cũng thông qua một tuyên bố với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) "về việc đình chỉ áp dụng quy chế tối huệ quốc đối với Nga và tạm dừng việc xem xét đơn xin gia nhập WTO của Belarus".

Mặc dù vậy, đến nay, châu Âu cũng như Mỹ tiếp tục bác bỏ đề xuất của Ukraine về việc cung cấp máy bay chiến đấu hoặc lập vùng cấm bay ở nước này do lo ngại nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga. EU cũng chưa chấp thuận đề nghị của Ukraine gia nhập liên minh, nhưng khẳng định Ukraine "thuộc về đại gia đình châu Âu," để ngỏ cánh cửa cho triển vọng kết nạp trong tương lai.
Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đã đẩy EU vào thế khó, đó là làm thế nào để cân bằng giữa việc đối phó với Nga, bảo vệ an ninh, các nguyên tắc của liên minh, đồng thời giữ cho châu Âu tránh khỏi cú sốc kinh tế, xã hội lớn.

EU là đối tác thương mại lớn của Nga, các nước trong khối phụ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt từ nước này. Đó là lý do các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào ngành năng lượng Nga hạn chế hơn so với lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuần trước, ông Josep Borrell, quan chức phụ trách đối ngoại của EU, thừa nhận khối này đã đạt đến giới hạn khả năng trong áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga.

Theo AFP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine