Mối lo sợ "những con tin bị lãng quên" ở Dải Gaza
(Dân trí) - Gia đình các con tin người Israel bị Hamas bắt giữ ngày càng lo ngại rằng thế giới sẽ lãng quên họ, giữa lúc chiến sự ở Dải Gaza ngày càng leo thang đáng báo động.
Bức ảnh chụp một cụ bà tóc trắng ngồi trên xe chuyên đi ở sân golf, trên người quấn một chiếc chăn màu tím và vây quanh là các tay súng là một trong những bức ảnh đầu tiên xuất hiện về các con tin bị bắt giữ trong cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10.
Bức ảnh được chụp tại một địa điểm không xác định giữa Israel và Gaza hôm 7/10. Con tin này là cụ bà Adar, 85 tuổi, một thường dân Israel bị bắt cóc từ Nir Oz và chở đến Dải Gaza.
Đã 1 tháng trôi qua, giờ đây, cháu gái của bà Adar lo sợ rằng, ký ức của thế giới về ngày đau khổ đó và động lực trả tự do cho khoảng 240 người Israel bị Hamas giam giữ đang mờ dần. Vì vậy, cô Adva và anh trai, giống nhiều người thân khác của con tin, đã rời Israel để nỗ lực đi tìm sự giúp đỡ ở các nước khác.
Họ lo sợ ký ức về ngày người thân bị bắt cóc đó sẽ bị thay thế bằng tin tức về những vụ tấn công kinh hoàng của Israel, số người Palestine thiệt mạng, và tình hình khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.
Mạng xã hội Israel tràn ngập hình ảnh tờ rơi tìm người mất tích của các con tin bị xé nát trên khắp thế giới. "Thật đáng sợ khi nghĩ rằng sự việc bà tôi bị bắt giữ làm con tin sẽ là tin cũ", cô Adva nói.
Hamas cho biết sẽ trả tự do cho các con tin không phải người Israel, đến từ 28 quốc gia và chiếm khoảng một nửa tổng số con tin được cho là bị bắt giữ. Nhưng mặc dù chưa có bước đi cụ thể nào hướng tới kế hoạch này, ý tưởng đó chỉ làm dấy lên những mối lo sợ mới cho những gia đình như Adar, những người Israel khác.
Cô Adva đặt ra câu hỏi, nếu tất cả con tin người Mỹ hoặc châu Âu đều được trả tự do thì liệu có còn động cơ trong việc gây sức ép trả tự do cho những người khác?
"Cả thế giới nên gây sức ép để Hamas thả con tin bất kể quốc tịch nào. Tôi có thể nói, bà tôi và anh họ tôi không có quốc tịch nào khác. Vì vậy, có vẻ như họ không có lý do gì để được trở về nhà và điều đó khiến tôi thực sự tức giận", cô nói.
Từ sốc, kinh hoàng đến thất vọng và tức giận
Trong các cuộc phỏng vấn, một số gia đình có dấu hiệu chuyển từ trạng thái sốc và kinh hoàng sang thất vọng và tức giận.
Ngày bị tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử Israel cũng được ghi lại rất nhiều nhờ điện thoại thông minh và mạng xã hội. Tuy nhiên, người thân cho biết họ hầu như không có nhiều thông tin vào những ngày sau khi người thân của họ mất tích.
Tal Edan, dì của cô bé Abigail, 3 tuổi, người bị bắt làm con tin, cho biết: "Tôi thực sự rất tức giận. Gia đình đã chôn cất và để tang cha mẹ của Abigail, Roy và Smadar, những người đã thiệt mạng ngày hôm đó. Nhưng chính phủ Israel không cho chúng tôi biết bất cứ điều gì. Họ chẳng có gì cả".
Các gia đình cho biết, cuộc không kích quân sự áp đảo của Israel vào Gaza, đặt ra câu hỏi về việc tiêu diệt Hamas hay giải cứu con tin là quan trọng hơn, hay liệu hai mục tiêu này có loại trừ lẫn nhau hay không.
Nhiều gia đình đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chính phủ khác, chẳng hạn như Đức, Pháp và Mỹ, với sự thừa nhận ngầm rằng Israel không thể đảm bảo việc thả tự do cho người thân của họ.
"Ưu tiên hàng đầu là đưa con tin trở về trước bất cứ điều gì khác. Đó phải là điều duy nhất trên bàn làm việc và tôi không cảm thấy được điều đó trong chiến lược của chính phủ", Ayelet Sella, người có 7 thành viên trong gia đình bị bắt làm con tin ở Gaza, cho biết trong cuộc họp báo với gia đình các con tin khác ở Paris vào ngày 11/10.
Trong khi đó, hồi tuần trước, ông Gilad Korngold, người có con trai, con dâu và hai cháu đang bị bắt làm con tin, nói với các phóng viên rằng, một quan chức chính phủ Israel giữ liên lạc với gia đình 3 lần/tuần. Ông nói bản thân tin các giới chức sẽ làm những gì có thể cho các con tin.
Ông cho biết các thành viên trong gia đình có quốc tịch Đức hoặc Áo và "tôi tin tưởng vào đại sứ quán Đức". "Đức và Áo không gây chiến với bất kỳ quốc gia nào. Họ có liên hệ với mọi người trên thế giới. Tôi tin họ có thể làm được".
Khi được hỏi liệu ông có tin tưởng rằng chính phủ Israel đặt việc thả con tin lên hàng đầu trong chương trình nghị sự hay không, ông im lặng. "Ban đầu tôi đã tin vào điều này, khoảng 3, 4 ngày trước. Nhưng bây giờ tôi bắt đầu mất niềm tin vì mỗi ngày trôi qua chúng tôi lại càng lo lắng hơn", ông nói và cho rằng, chính phủ đang ưu tiên cho vấn đề giải cứu con tin.
Các thân nhân đang lên tiếng
Tại London, ngồi sau bức ảnh của người mẹ 74 tuổi, Ada Sagi, con trai bà là anh Noam đã kêu gọi "tất cả các chính phủ trên thế giới" hãy "đưa các con tin về nhà". Cho đến nay, 4 người đã được trả tự do, trong đó có 2 người Mỹ, và một người đã được giải cứu.
Đối với Oliver McTernan, người có nhiều năm kinh nghiệm làm trung gian hòa giải và đàm phán con tin, Mỹ có thể có tiếng nói trong việc này. Ông McTernan, người đã qua lại Gaza trong suốt 20 năm qua, cho biết không có cách nào để 240 con tin đang bị giam giữ ở các địa điểm riêng biệt có thể được di chuyển an toàn dưới cơn mưa bom đạn.
"Tôi thực sự đã hy vọng rằng Mỹ sẽ dẫn đầu một số nước châu Âu giúp giải thoát cho các con tin. Israel hãy kiềm chế lại các cuộc tấn công… Hãy nghĩ xem hậu quả của việc này sẽ là gì", ông nói.
Tuy nhiên, cho đến nay, Israel vẫn bác bỏ các yêu cầu ngừng bắn. Hôm 3/11, sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tiếp bác bỏ "một lệnh ngừng bắn tạm thời không bao gồm việc trao trả các con tin của chúng tôi".