1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mối lo ngại chung khiến Ấn Độ - Philippines ngày càng thân thiết

Đức Hoàng

(Dân trí) - Philippines và Ấn Độ, 2 quốc gia đều có quan ngại với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền, đang có xu hướng xích lại gần nhau thông qua các thương vụ tên lửa và vắc xin Covid-19.

Mối lo ngại chung khiến Ấn Độ - Philippines ngày càng thân thiết - 1

Tên lửa BrahMos (Ảnh: AFP).

Ngày 2/3, Philippines ký thỏa thuận với Ấn Độ để mua tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới BrahMos PJ-10 nhằm mục tiêu giúp Manila bảo vệ các khu vực ven biển trước nguy cơ từ Trung Quốc.

Trong những tuần gần đây, Shambhu Kumaran, Đại sứ Ấn Độ tại Philippines, cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra để Manila có thể mua 8 triệu liều vắc xin Covid-19 Covaxin của Ấn Độ. Trong khi đó, người đứng đầu chiến dịch tiêm chủng của Philippines Carlito Galvez Jnr thông báo rằng nước này đã đặt 30 triệu liều Covovax sau khi ông tới Ấn Độ để bàn về việc mua bán.

Ông Galvez cho biết, các liều vắc xin Covovax - sản phẩm của liên doanh Novovax (Mỹ) với viện Serum Ấn Độ - sẽ được chuyển tới Philippines vào quý 3 hoặc quý 4 năm nay.

Kishore Hemlani, người sáng lập Faberco, đối tác của viện Serum ở Philippines, nhấn mạnh thương vụ Covovax là "dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa New Delhi và Manila".

Theo giới quan sát, dù 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1949, nhưng mối quan hệ giữa 2 nước chưa bao giờ quá thân thiết. Yếu tố Trung Quốc và đại dịch Covid-19 được cho đang làm thay đổi điều này.

Yếu tố Trung Quốc

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng tại tổ chức RAND (Mỹ), cho biết Ấn Độ tỏ ra quan ngại về các động thái quyết liệt ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng như tại khu vực 2 nước tranh chấp chủ quyền trên dãy Himalaya. Trong khi đó, Philippines và Trung Quốc cũng có tranh chấp chủ quyền ở một số khu vực, trong đó có bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.

Một quan chức Philippines giấu tên cho biết quan hệ giữa nước này và Ấn Độ đã được nâng cấp đáng kể sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền với những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo 2 nước và các bên đã ký nhiều biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng và vận tải.  

Ấn Độ, trong khi đó, triển khai chiến lược "Hướng Đông" nhằm gia tăng quan hệ với các nước Đông và Đông Nam Á. New Delhi bày tỏ sự ủng hộ với hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông và thường điều tàu hải quân tới khu vực.

Khi được hỏi rằng Ấn Độ đã đề nghị hỗ trợ Philippines những lĩnh vực nào, quan chức của Manila nói rằng đó là về mặt ngoại giao. Ấn Độ có một mạng lưới kết nối rộng lớn với phong trào Không Liên kết, là thành viên của khối Thịnh vượng Chung của Anh, là thành viên của nhóm "Bộ Tứ" cùng Mỹ, Nhật Bản và Australia - những quốc gia cũng bày tỏ quan ngại về hành vi của Bắc Kinh ở khu vực.

BrahMos được xem là vũ khí phù hợp với Philippines vì giá thành tương đối rẻ và hoạt động hiệu quả. Tên lửa này được cho sẽ giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác quân sự giữa 2 nước, khi Philippines chính là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua BrahMos của Ấn Độ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc hợp tác quân sự giữa 2 nước còn nhiều trở ngại. Phillipines đang rất cần khí tài hiện đại để hiện đại hóa quân đội nhưng có nhiều hạng mục vũ khí Ấn Độ không thể cung cấp do Manila sử dụng hầu hết các hệ thống do Mỹ sản xuất.

Ngoài ra, giới quan sát nhận định, ông Duterte, người có quan điểm xoay trục về Trung Quốc, được dự đoán sẽ không hợp tác quá chặt chẽ với những đối tác bên ngoài có quan điểm đối đầu Trung Quốc.