Người Philippines "ngại" vắc xin Trung Quốc dù Tổng thống cam kết hiệu quả
(Dân trí) - Philippines tuần này bắt đầu chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, trong bối cảnh người dân tỏ ra e ngại sử dụng vắc xin do Trung Quốc sản xuất.
Hình ảnh Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Philippines Gerardo Legazpi tiêm liều đầu tiên trong số 600.000 liều vắc xin Covid-19 Sinovac do Trung Quốc viện trợ đã được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia PTV hôm 1/3. Lãnh đạo bệnh viện công hàng đầu Philippines cũng kêu gọi các đồng nghiệp và người dân tiêm loại vắc xin này.
Philippines là một trong những quốc gia cuối cùng tại Đông Nam Á bảo đảm được nguồn cung vắc xin Covid-19, dù nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch với hơn 578.000 ca nhiễm và hơn 12.000 ca tử vong. Philippines đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày trong suốt 5 ngày gần đây.
Theo SCMP, mặc dù chương trình tiêm chủng vắc xin đại trà hứa hẹn sẽ giúp hạ nhiệt tình hình dịch bệnh tại Philippines, song các chuyên gia cho biết chính phủ Philippines vẫn phải tìm cách xoa dịu những hoài nghi của công chúng về vắc xin Covid-19 do Trung Quốc sản xuất.
Mối quan tâm đối với vấn đề tiêm chủng vắc xin đã thay đổi đáng kể, khi chính phủ Philippines ngày 26/2 thông báo các nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Philippines nên được tiêm vắc xin của hãng dược Trung Quốc Sinovac, thay vì vắc xin do các hãng dược Mỹ Pfizer hay Anh AstraZeneca sản xuất.
Hiệp hội Y Bác sĩ thuộc Bệnh viện Đa khoa Philippines ngày 27/2 kêu gọi đánh giá thêm về hiệu quả của vắc xin Sinovac trước khi triển khai tiêm chủng cho các nhân viên y tế. Kết quả cuộc khảo sát sơ bộ cho thấy 95% nhân viên y tế tại bệnh viện không muốn tiêm vắc xin Sinovac, còn trong cuộc khảo sát trước đó, có tới 94% nhân viên y tế muốn tiêm vắc xin của Pfizer hoặc AstraZeneca.
Việc thiếu dữ liệu khoa học được kiểm chứng đối với vắc xin Sinovac là lý do khiến vắc xin này bị nghi ngại tại Philippines. Sinovac cho đến nay vẫn chưa chính thức công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 3, trong khi hiệu quả của vắc xin này đối với các nhân viên y tế tuyến đầu tại Brazil chỉ đạt 50,4%, thấp hơn nhiều so với vắc xin của Mỹ hoặc Nga.
Để tăng thêm niềm tin của công chúng, Giám đốc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Philippines Eric Domingo và chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm Maurice Edsel Salvana đã tiêm vắc xin Sinovac hôm 1/3.
Ông Domingo cũng là người cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Sinovac tại Philippines, nhưng cảnh báo rằng vắc xin này chỉ nên sử dụng cho những người khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18-59 và không nên tiêm cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu dù ở độ tuổi nào. Bất chấp cảnh báo, các nhân viên y tế vẫn nằm trong danh sách 128 người tại Bệnh viện Đa khoa Philippines tiêm vắc xin của Sinovac hôm 1/3.
Ông Salvana, cố vấn cho Nhóm chuyên trách chống dịch Covid-19 của chính phủ Philippines, cho biết sau khi nghiên cứu tất cả dữ liệu và tài liệu, ông kết luận rằng vắc xin của Sinovac an toàn, đạt hiệu quả 100% đối với các ca nhiễm nặng và 78% đối với các ca nhiễm nhẹ.
Theo Nikkei, Philippines đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70 triệu dân, tương đương hơn nửa dân số, trong năm nay. Tuy nhiên, mục tiêu này được cho là khó có thể đạt được do người dân Philippines chưa tin tưởng hoàn toàn vào vắc xin, đặc biệt vắc xin từ Trung Quốc.
Chương trình vắc xin của Philippines được triển khai trong bối cảnh chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte đối mặt với làn sóng chỉ trích về sự chậm trễ trong kế hoạch tiêm chủng so với các nước trong khu vực.
Tổng thống Duterte cho biết ông có kế hoạch tới thăm Trung Quốc trong năm nay để đích thân cảm ơn Chủ tịch Tập Cận Bình vì đã viện trợ vắc xin cho Philippines. Trong tuyên bố ngày 28/2, Tổng thống Duterte cho biết ông "đảm bảo" vắc xin Covid-19 của Trung Quốc sẽ phát huy "hiệu quả", nhưng ông sẽ không tiêm vắc xin Sinovac vì nằm ngoài độ tuổi khuyến cáo tiêm vắc xin này.