Mối đe doạ mang tên JI trở lại Đông Nam Á?
(Dân trí) - Một loạt vụ nổ rung chuyển thủ đô Jarkata ngày hôm qua đã chấm dứt 4 năm “không khủng bố” ở Indonesia. Sự kiện này cũng nhắc nhở khu vực về mối đe doạ vẫn còn hiện hữu của tổ chức khủng bố lớn nhất châu Á – nhóm Jemaah Islamiyah (JI).
Các nhà phân tích về an ninh tại Australia khẳng định nhiều khả năng JI đã đứng đằng sau các vụ nổ đẫm máu ở Indonesia. Các chuyên gia an ninh cho rằng một nhóm nhỏ những thành viên JI bất mãn và đã tách ra khỏi tổ chức này có thể đã thực hiện những vụ tấn công tại Jakarta hôm qua.
JI, có nghĩa là “Giáo đoàn Hồi giáo” – là một tổ chức của những phần tử Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á được lập ra với mục tiêu xây dựng một Quốc gia Hồi giáo ở khu vực này sáp nhập các nước Indonesia, Malaysia, Nam Philippines, Singapore và Brunei.
Tháng 10/2002, JI đã bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố có liên quan đến mạng lưới al-Qaeda hoặc phong trào Taliban.
JI có gốc gác là Darul Islam (có nghĩa là Ngôi nhà Hồi giáo) - một phong trào cực đoan ở Indonesia trong những năm 1940. JI đã chính thức được thành lập vào ngày 1/1/ 1993 bởi các thủ lĩnh là Abu Bakar Bashir và Abdullah Sungkar khi đó đang phải ẩn náu ở Malaysia để trốn lệnh truy nã của chính phủ Tổng thống Indonesia Suharto. Sau khi chính quyền Suharto sụp đổ năm 1998, hai tên này đã trở về Indonesia và một trong hai đã liên hệ với trùm khủng bố Osama Bin Laden của al-Qaeda.
Các hành động bạo lực của JI ban đầu nhen nhóm trong các cuộc xung đột cộng đồng ở Maluku và Poso. Tổ chức này bắt đầu chuyển mục tiêu sang các lợi ích của Mỹ và phương Tây ở Indonesia và ở cả khu vực Đông Nam Á rộng lớn để trả đũa cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ khởi xướng. Các kế hoạch khủng bố của JI ở Đông Nam Á bị vạch trần khi một âm mưu của tổ chức này cho nổ bom ở nhiều địa điểm tại Singapore bị cơ quan chức năng nước này phát giác.
Các mối liên hệ về chiến thuật, tài chính, truyền giáo, huấn luyện và tuyển quân giữa JI và các nhóm khủng bố khác như al-Qaeda, Abu Sayyaf , Phong trào Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF)… trong khu vực đã tồn tại trong nhiều năm và đến tận ngày nay.
JI đã thực hiện vụ tấn công bằng bom tại đảo Bali trong năm 2002 làm thiệt mạng 202 người, trong đó có 88 công dân Australia. Các thành viên của tổ chức khủng bố này cũng liên can tới một số vụ đánh bom khác, trong đó có vụ tấn công tại Đại sứ quán Australia làm 11 người Indonesia thiệt mạng.
Vài năm trước đây, nhiều tin tình báo của Australia và Indonesia cho rằng giới lãnh đạo của JI giờ đây không còn ủng hộ việc dùng bom để đạt được mục tiêu của họ nữa. Tuy nhiên, nhiều thành viên trẻ của JI đã có những mối bất đồng lớn với giới lãnh đạo của tổ chức. “Chúng không chấp nhận ngừng đánh bom. Chúng đang nghiêng về các thành phần có chủ trương cứng rắn và muốn tiếp tục cuộc đấu tranh vũ trang", ông Carl Ungerer, thuộc Học viện chính sách chiến lược Australia nói.
Từ năm 2002, Australia đã hợp tác chặt chẽ với Indonesia để chống lại các hoạt động của những phần tử cực đoan. Theo quan điểm của Canberra thì hòa bình ở Indonesia có vai trò rất quan trọng cho an ninh của khu vực.
Nhưng sau các vụ đánh bom hôm qua, Canberra đã lập lại khuyến cáo các công dân Australia cân nhắc việc đến Indonesia, kể cả đảo Bali, vì có nhiều rủi ro xảy ra những vụ tấn công khủng bố.
Nguyễn Viết
Tổng hợp