1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mổ xẻ uy lực của tổ hợp phòng không S-500

(Dân trí) - Cây viết Zachary Keck của National Interest đã đăng một bài phân tích về sức mạnh của tổ hợp phòng không S-500 dựa trên những thông tin do truyền thông Nga cung cấp và đánh giá khả năng ngăn chặn các máy bay chiến đấu F-22 và F-35 của Mỹ trong kịch bản đối đầu xảy ra.

Tổ hợp phòng không S-400 (Ảnh minh họa: Sputnik)
Tổ hợp phòng không S-400 (Ảnh minh họa: Sputnik)

Năm ngoái, Trung tướng Viktor Gumenny, Phó Tư lệnh Lực lượng Không gian vũ trụ Nga thông báo rằng quá trình chuyển giao hệ thống phòng không “rồng lửa” S-500 sẽ diễn ra vào năm 2020. Từ đó tới nay, truyền thông Nga bắt đầu cung cấp thêm một số thông tin về các tên lửa phòng thủ tối tân, được đánh giá là một trong những hệ thống hiện đại nhất thế giới.

Ông Kerk dẫn nguồn tin từ Sputnik cho biết hệ thống S-500 được kỳ vọng sẽ có tầm tấn công mục tiêu ở độ cao khoảng 96,5 km, thông số cao hơn bất cứ hệ thống tên lửa phòng thủ nào ở thời điểm hiện tại. Tờ báo Nga nói rằng con số này có thể cao hơn 96,5 km và tiệm cận tới gần phần rìa không gian, nơi mà phần lớn các vệ tinh quân sự đang làm nhiệm vụ.

Theo báo chí Nga, S-500 được cho là có khả năng dò tìm và tiêu diệt tối đa cùng lúc 10 đầu đạn tên lửa đạn đạo bay với vận tốc 6,4 km/s. Tổ hợp phòng không này đồng thời sẽ được trang bị một vài hệ thống radar riêng biệt nhằm tới hàng loạt các mục tiêu riêng biệt. Ví dụ như, S-500 sẽ được trang bị một hệ thống các radar với mỗi thiết bị chỉ chịu trách nhiệm dò một loại mục tiêu như máy bay, trực thăng, thiết bị không người lái và tên lửa.

Theo ông Keck, hệ thống radar Yenisei được cho là đặt trên S-500 có cơ chế hoạt động khá linh hoạt. Radar này được trang bị một ăng-ten mảng pha và hệ thống dò tìm mục tiêu trên không. Nó sẽ hoạt động trong một khoảng không gian rộng lớn, thực hiện các phân tích xem xét xem mục tiêu là “quân địch hay quân ta” và "tự lựa chọn các mục tiêu chủ chốt”.

Trong các bài nghiên cứu từng đăng tải trên National Interest, S-500 dự kiến sẽ được trang bị radar quản lý chiến đấu 91N6A(M), radar thu thập thông tin 96L6-TsP phiên bản cải tiến và radar đa chế độ 76T6 cũng như radar chuyên dụng chống tên lửa đạn đạo 77T6. Tất cả các hệ thống này sẽ được tích hợp trong một hệ thống hợp nhất, giúp S-500 "săn mồi" tốt hơn.

Hình ảnh radar Yenisei, được cho là sẽ được tích hợp trên S-500 (Ảnh: Rossiya-1)
Hình ảnh radar Yenisei, được cho là sẽ được tích hợp trên S-500 (Ảnh: Rossiya-1)

Ngoài ra, theo ông Keck, trong phiên bản S-500 đang chế tạo, Nga có thể cân nhắc sử dụng tên lửa dẫn đường 40N6 được mở rộng tầm tấn công. Truyền thông Nga cho rằng sau khi được cải tiến 40N6 có thể đạt được thông số 400km, trở thành một “thế lực” khác biệt so với các hệ thống phòng không khác. Tên lửa này dường như đang được trang bị hệ thống mới cho phép các đầu đạn có thể tự dò mục tiêu, tự tìm kiếm và tấn công.

Sử dụng nhiên liệu rắn, 40N6 được cho là có khả năng bay với tốc độ gấp 9 lần âm thanh với độ chính xác khi tấn công là 95%.

Ông Keck lưu ý rằng dòng tên lửa 40N6 dùng trên S-500 dường như đã được thử nghiệm và sắp được triển khai trên hệ thống S-400. Nga nói rằng tên lửa 40N6 có khả năng tấn công tên lửa siêu thanh và có thể được cải tiến nhằm vào các mục tiêu vệ tinh.

Theo chuyên gia Dave Majumdar của National Interest, dù đối mặt với nhiều khó khăn thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh và sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng Moscow vẫn tiếp tục đạt được những thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực tên lửa phòng thủ thể hiện qua các hệ thống như S-400, S-300VM4 và S-350. Một khi được triển khai, S-500 kỳ vọng sẽ tham gia vào mạng lưới phòng không hợp nhất với các hệ thống trên.

Giới chuyên gia quân sự cũng nhấn mạnh rằng nếu sức mạnh của S-500 đúng như những gì Nga công bố từ trước tới nay, nó sẽ tạo nên sức mạnh, trở thành đối trọng trong tác chiến với các mục tiêu tối tân của Mỹ như các máy bay chiến đấu F-22, F-35 cũng như máy bay ném bom B-2.

Đức Hoàng

Theo National Interest