Máy bay hiếm gặp của Không quân Nga xuất hiện tại Belarus
(Dân trí) - Một máy bay vận tải quân sự An-22 hiếm gặp của Nga đã được nhìn thấy tại một sân bay quân sự gần thủ đô Minsk của Belarus, trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine vẫn diễn biến căng thẳng.
Theo các chuyên gia quân sự, các máy bay được nhìn thấy là các vận tải cơ quân sự An-22 "Antey" với số hiệu đăng ký RF-09309 và RA-09341. Chúng đã xuất hiện tại căn cứ không quân Machulishchi, gần thủ đô Minsk. Các máy bay được cho là vận chuyển các kiện hàng chứa thiết bị quân sự mà Nga chuyển cho Belarus. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về các kiện hàng này hiện chưa được tiết lộ.
Sau 4 tiếng dỡ hàng tại căn cứ Machulishchi, 2 máy bay này đã quay trở lại các căn cứ không quân của Nga ở thành phố Taganrog và Tver.
Máy bay An-22 "Antey" là một loại máy bay vận tải cánh quạt hiếm gặp của quân đội Nga. Theo thống kê, Không quân Nga chỉ có 4 máy bay loại này trong biên chế.
Được chế tạo từ những năm 1965 và chính thức đưa vào biên chế vào năm 1967 dưới thời Liên Xô, An-22 là chiếc máy bay 4 động cơ cánh quạt lớn nhất thế giới. Với trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 250 tấn, chiếc máy bay này có thể chở được số lượng hàng hóa vượt trội so với nhiều máy bay vận tải khác trong biên chế Không quân Nga. Ngoài ra, khi cần thiết, An-22 có thể được hoán cải để chở theo 200 binh sĩ với đầy đủ trang bị chiến đấu. Vận tải cơ An-22 của Nga có thể bay với tốc độ tối đa 740km/h, tầm bay khoảng 5.000km và trần bay 8.000m.
Belarus được coi là đồng minh thân cận nhất của chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Ngày 7/7, ông Oleksiy Gromov, Cục trưởng Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, cho biết Belarus đã cho Nga mượn sân bay ở vùng Gomel, khu vực giáp biên giới với Ukraine. Theo giới truyền thông, các hoạt động quân sự của Belarus đã diễn ra tại khu vực Gomel trong thời gian gần đây và sân bay quân sự này chỉ cách biên giới Ukraine khoảng 30km.
Để duy trì sự ủng hộ của nước láng giềng, Nga đã dành nhiều ưu đãi cho Belarus. Tổng thống Alexander Lukashenko, trong một buổi họp với các quan chức quốc phòng quan trọng hôm 10/5, đã thông báo về việc Belarus sẽ chế tạo một hệ thống tên lửa đạn đạo hoàn toàn mới với sự hỗ trợ của Nga. Sau đó, trong một cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Belarus Lukashenko tại thành phố St. Petersburg vào ngày 25/7, Tổng thống Putin tuyên bố Moscow sẽ chuyển giao cho Minsk các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.