1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Putin: S-400 giúp ngăn chặn Không quân Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận Syria

(Dân trí) - Trong cuộc báo cuối năm với gần 1.400 phóng viên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời nhiều câu hỏi về một loạt các chủ đề, từ quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, chiến dịch không kích tại Syria, cho tới các vấn đề rất đời thường như có dáng người phong độ hay chuyện các con gái ông không theo nghiệp chính trị.

 

Tổng thống Nga: Không thấy triển vọng khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ

 

Tổng thống Nga Putin trong cuộc họp báo (Ảnh: Twitter)
Tổng thống Nga Putin trong cuộc họp báo (Ảnh: Twitter)

Con gái không theo nghiệp chính trị

Khi được hỏi về danh tính và đời sống của các con gái, ông Putin tiết lộ các con không theo đuổi nghiệp chính trị.

"Mọi người đều có quyền tự quyết định tương lai của mình. Các con gái tôi chưa bao giờ là những đứa trẻ nổi tiếng, chúng chỉ sống cuộc sống của chúng, theo một cách rất có nhân cách", ông Putin nói. "Chúng không hoạt động trong giới kinh doanh cũng không làm chính trị".

Ông Putin cho biết con mình có thể nói 3 ngoại ngữ và thường dùng trong công việc hàng ngày. Dù vậy ông không tiết lộ chi tiết "vì lí do an ninh".

Trước câu hỏi về việc con trai của Tổng công tố Yuri Chaika có dính líu đến các hoạt động tài chính đáng ngờ, ông Putin nêu quan điểm: "Hiện còn phải xem xem liệu họ, con của Tổng Công tố, có vi phạm pháp luật hay không. Liệu công việc của ông ấy có liên quan đến xung đột lợi ích không. Liệu ông ấy có hỗ trợ con mình theo cách nào đó. Tôi sẽ chưa nói đến chuyện đó vào lúc này, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không xem xét", ông Putin nói.

Theo hãng thông tấn Tass, hôm 1/12, một tổ chức phi chính phủ có tên Anti-Corruption Foundation đã công bố một số điều tra cho rằng một trong những con trai của tổng công tố bị nghi sở hữu một khách sạn tại Hy Lạp và rằng các con ông có cổ phần tại các chi nhánh lớn của công ty đường sắt Nga RZD. Ông Chaika đã bác bỏ những cáo buộc này là vô căn cứ.

Liên quan đến các cáo buộc về vận động viên Nga sử dụng chất cấm trong thi đấu, cũng như bê bối tham nhũng tại FIFA, ông Putin khẳng định: "Không quốc gia nào có quyền mở rộng quyền phán xét của mình sang nước khác. Tất nhiên, chúng ta cần chống tham nhũng. Thật không thể chấp nhận khi bắt công dân nước ngoài rồi đưa họ ra xét xử", ông Putin nói về việc lãnh đạo FIFA bị bắt.

"Chúng tôi giành quyền đăng cai World Cup một cách trung thực trong một cuộc đua cởi mở. Ông Blatter (Chủ tịch FIFA Sepp Blatter) đã đóng góp nhiều cho bóng đá. Ông ấy xứng đang được trao giải Nobel Hòa Bình cho công việc của mình".

Về cáo buộc sử dụng doping, ông Putin khẳng định: "Chúng tôi phản đối bất kỳ dạng doping nào. Đó là thuốc độc. Nó cũng phá hoại nguyên tắc thi đấu công bằng".

Một phóng viên Nga khen ngợi ông Putin trông phong độ và khỏe khoắn. Vị tổng thống cười lớn và khẳng định kết quả đó đạt được mà không cần doping.

Khi được hỏi về kỳ vọng gì ở mối quan hệ với tổng thống tiếp theo của Mỹ, ông Putin cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với tổng thống tiếp theo về các vấn đề chung. Chúng tôi chưa bao giờ tự cô lập mình".

Về mối quan hệ Nga - Gruzia, Tổng thống Putin khẳng định Nga không phải là bên khiến quan hệ xấu đi, mà tất cả và toàn bộ đều do giới chức Gruzia. Dù vậy "chúng tôi sẵn sàng khôi phục mối quan hệ đó", ông Putin nói. "Chúng tôi sẵn sàng bãi bỏ cơ chế xét cấp thị thực với Gruzia".

Quan hệ Nga-Ukraine sẽ xấu đi

Ông cũng khẳng định từ 1/1/2016, quan hệ kinh tế Nga - Ukraine sẽ xấu đi, dù Kremlin không mong muốn.

"Từ 1/1, quan hệ kinh tế sẽ xấu đi. Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị tôi không loại Ukraine khỏi Khu vực Thương mại Tự do. Nhưng Ukraine không tuân thủ các quy định của khu vực này. Ukraine đang rút lui khỏi những chuẩn mực kinh tế của chúng tôi. Hàng hóa của chúng tôi nếu không tuân thủ quy định của EU, liệu toàn bộ hàng hóa có bị trục xuất không?", ông Putin nói.

Tổng thống Nga cho biết Nga sẽ không ban bố bất kỳ lệnh cấm vận nào chống lại Ukraine. Nhưng từ 1/1/2016, Ukraine sẽ không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào.

Trước câu hỏi của một phóng viên Ukraine về khả năng trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine, ông Putin khẳng định ủng hộ việc trao đổi toàn bộ một lần.

"Liên quan đến việc trao đổi: có sự khác biệt giữa các nhân viên quân sự Nga đồn trú tại Donbas và một số người tới đó theo một nhiệm vụ nhất định. Dù sao việc trao đổi nên diễn ra công bằng. Hãy cùng trao đổi tất cả lấy tất cả, đó là cách chúng tôi ủng hộ", ông Putin nói.


(Ảnh: Twitter)

(Ảnh: Twitter)

Chiến dịch quân sự tại Syria sẽ tiếp tục khi nào còn cần thiết

Về chiến dịch quân sự tại Syria, Tổng thống Putin khẳng định sẽ tiếp tục cho đến khi nào còn cần thiết.

"Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ quân đội Syria chừng nào họ còn tiến hành các chiến dịch quân sự. Chúng tôi hỗ trợ các nỗ lực của họ chống lại IS", ông Putin nói, trước khi nhận kêu gọi "tất cả các bên đối lập nên ngồi lại cùng nhau.

Về số phận Tổng thống Assad, ông Putin lặp lại quan điểm phải để nhân dân Syria quyết định.

"Không ai có quyền áp đặt ai sẽ là lãnh đạo một quốc gia khác. Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào người dân Syria. Nhưng chúng tôi ủng hộ sáng kiến của Mỹ về soạn thảo một nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Việc này cho thấy Mỹ và EU đang quan ngại về những gì diễn ra tại Trung Đông".

"Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận cho bất kể thế lực bên ngoài nào định đoạt người điều hành Syria. Việc này trái với mọi luật pháp quốc tế. Đó phải là việc của người dân Syria", nhà lãnh đạo Nga lặp lại quan điểm.


(Ảnh: AP)

(Ảnh: AP)

IS đang đe dọa cả thế giới

Bàn về sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Iraq, ông Putin nói IS đang là mối đe dọa với cả thế giới. “Chúng ta phải giải quyết mối đe dọa này càng nhanh càng tốt. Và giải pháp duy nhất cho vấn đề Syria hiện nay chỉ có thể là giải pháp chính trị”, ông Putin nói.

Ông cho biết thêm, Nga đã thành công một phần trong việc đoàn kết chính phủ Syria với các lực lượng đối lập trong cuộc chiến chống lại IS. Ông khẳng định, Nga sẽ tiếp tục các cuộc không kích ở Syria song không nhất thiết phải có một căn cứ quân sự vĩnh viễn ở Syria.

Đối với cộng đồng người nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga, ông Putin nói: “Các bạn là một phần của nước Nga. Do đó, đừng làm con thuyền này rung lắc. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đâm sau lưng chúng tôi”.

Ông Putin nói về sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria

Thổ Nhĩ Kỳ núp sau lưng liên minh NATO

Người đứng đầu Điện Kremlin cho biết ông không thấy nhiều triển vọng khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên quan đến quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau những vụ việc căng thẳng gần đây, ông Putin nói việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay quân sự Nga là hành động thù địch và sau đó họ lại tìm cách “núp sau lưng liên minh NATO”.


(Ảnh: Sputnik)

(Ảnh: Sputnik)

Ông Putin nhấn mạnh việc Nga triển khai tổ hợp tên lửa phòng không S-400 đến căn cứ không quân Khmeimim của Syria đã ngăn chặn được tình trạng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận Syria.

Trả lời câu hỏi đầu tiên liên quan đến tình hình khó khăn của kinh tế Nga, ông Putin cho rằng kinh tế Nga đã chạm đáy của cuộc khủng hoảng và đang dần ổn định. Ông cũng nói thêm, mặc dù GDP của Nga giảm do dầu thô mất giá nhưng các ngành kinh tế của Nga đã bắt đầu phục hồi.

Ông cho biết, hiện dự trữ tiền tệ của Nga là 364 tỷ USD và tốc độ bốc hơi nguồn vốn đã chậm lại.

Ông Putin mở đầu họp báo với khẳng định tất cả những vấn đề quan trọng ông đều đã đề cập trong thông điệp liên bang, nhưng vẫn cần phải chi tiết hơn.

Phóng viên, đại diện truyền thông trong và ngoài nước có mặt đông đảo trước giờ họp báo thường niên của Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: RT)
Phóng viên, đại diện truyền thông trong và ngoài nước có mặt đông đảo trước giờ họp báo thường niên của Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: RT)

Cuộc họp báo thường niên hay còn gọi là "cuộc họp báo marathon" bắt đầu lúc 12 giờ trưa theo giờ địa phương, tức 16 giờ theo giờ Việt Nam tại Trung tâm Thượng mại thế giới ở Moscow. Theo RT, có 1.350 phóng viên và đại diện truyền thông trong nước và quốc tế đăng ký tham dự sự kiện này.

Nhiều chuyên gia dự đoán chủ đề chính sẽ thiên về các vấn đề nội bộ của Nga, về kinh tế với việc Rúp mất giá và chính sách đối ngoại.

Thanh Tùng-Minh Phương

Tổng hợp

Video: Guardian