1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Malaysia nối lại dự án đường sắt với Trung Quốc, giảm 1/3 chi phí

(Dân trí) - Văn phòng của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết 2 giai đoạn đầu của dự án Tuyến đường sắt bờ Đông (ECRL) do Trung Quốc cấp vốn sẽ tiêu tốn 10,7 tỷ USD, giảm 1/3 so với ước tính chi phí ban đầu.

Malaysia nối lại dự án đường sắt với Trung Quốc, giảm 1/3 chi phí - 1

Lễ khởi động dự án Tuyến đường sắt bờ Đông (ECRL) diễn ra vào năm 2017 (Ảnh: SCMP)

Malaysia hôm nay cho biết đã ký một thỏa thuận mới để thực hiện dự án Tuyến đường sắt bờ Đông (ECRL) nối Biển Đông với các tuyến vận tải biển chiến lược phía Tây Malaysia do Trung Quốc cấp vốn, vài tháng sau những khởi đầu gặp trục trặc và các tuyên bố mâu thuẫn từ chính quyền của Thủ tướng Mahathir Mohamad về dự án trị giá nhiều tỷ USD.

Theo đó, văn phòng của Thủ tướng Mahathir cho biết chi phí thi công 2 đoạn đầu của dự án đường sắt giờ đây là 44 tỷ ringgit (10,7 tỷ USD), giảm so với giá ban đầu là 65,5 tỷ ringgit.

Thỏa thuận mới “sẽ mở đường cho việc nối lại dự án ECRL”, tuyên  bố cho hay. “Việc giảm chi phí chắc chắn sẽ có lợi cho Malaysia và giảm gánh nặng về tài chính cho đất nước”.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Daim Zainuddin, một trợ lý lâu năm của Thủ tướng Mahathir, đã đóng vai trò đặc phái viên của ông Mahathir tới Bắc Kinh để “chốt” các cuộc đàm phán.

Tại một cuộc họp báo hôm nay sau tuyên bố của chính phủ, ông Daim cho hay chiều dài tuyến đường sắt sẽ giảm đi 40km, xuống còn 648km. Chi phí xây dựng mỗi km đường sắt giảm từ 98 triệu ringgit xuống 68 triệu ringgit.

Các chi tiết của dự án sẽ được Thủ tướng Mahathir công bố vào tuần tới. Các nguồn tin trước đây cho biết dự án ECRL được dự báo có tổng kinh phí xây dựng lên tới 20 tỷ USD và 85% vốn của dự án là từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc.

Malaysia nối lại dự án đường sắt với Trung Quốc, giảm 1/3 chi phí - 2

Bản đồ mô phỏng tuyến đường sắt ECRL (Ảnh: Nikkei)

Tuyến đường sắt được xem là vấn đề ưu tiên chính trị đối với Thủ tướng Mahathir, và tuyên bố hôm nay nhiều khả năng sẽ giúp giảm bớt các căng thẳng đang gia tăng đối với chính quyền của ông nhằm thực hiện các cam kết tranh cử vào thời điểm ông Mahathir sắp đánh dấu một năm lên nắm quyền.

Nhà quan sát chính trị Malaysia lâu năm Oh Ei Sun cho rằng thỏa thuận được hoan nghênh trong bối cảnh Malaysia khát đầu tư trực tiếp nước ngoài. “Trong bối cảnh đó, Trung Quốc có lẽ là khả quan nhất xét về các khoản đầu tư trong tương lai, trong bối cảnh Mỹ ngày càng hướng nội, còn Nhật Bản và châu Âu khá chậm chạp”.

Dự án ECRL đã bị đình trệ kể từ khi ông Mahathir lên nắm quyền và đặt nghi vấn đối với hàng loạt dự án của người tiền nhiệm được Trung Quốc cấp vốn.

Ngay sau khi đánh bại đối thủ Najib Razak trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 năm ngoái, ông Mahathir đã ngừng dự án ECRL, viện dẫn việc cần đàm phán lại về các điều kiện mà người tiền nhiệm đã nhất trí với nhà thầu chính là Công ty xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC). Chính phủ sau đó đã định hủy dự án nhưng rút lại khi đối mặt với khoản phí hủy tương đối lớn.

Những người trong cuộc nói rằng vấn đề phức tạp nằm ở chỗ chính phủ Trung Quốc không muốn dự án nhiều tỷ USD, vốn được xem là trọng điểm của sáng kiến “Vành đai, con đường” do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động, bị “chết yểu”.

Ngoài ECRL, chính quyền của ông Mahathir năm ngoái cũng hủy 2 đường ống do Trung Quốc đầu tư trị giá 9,3 tỷ ringgit sau khi phát hiện ra rằng mặc dù 90% chi phí của dự án đã được chi nhưng chỉ 13% công việc hoàn thành.

An Bình

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm