1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mafia Italy bắt tay IS mua bán vũ khí và tác phẩm nghệ thuật

Một bức ảnh mờ nhạt thể hiện phần đầu bằng đá hoa bị chặt đứt của một bức tượng cổ La Mã được giới thiệu tại một phiên chợ đấu giá hết sức bất thường.

Hoàn toàn không có bất cứ giấy tờ nào xác nhận nguồn gốc cũng như tính xác thực của tác phẩm điêu khắc mà chỉ có những tấm bản đồ với vị trí được đánh dấu đỏ.

Những tấm bản đồ tiết lộ những ngôi mộ cổ Hy Lạp và La Mã bị cướp phá ở Libya. Hai băng nhóm tội phạm ma túy hùng mạnh của Italy - Ndrangheta ở Calabria và Camorra ở Neapolitan ở miền nam nước này - bắt tay nhau đưa những tác phẩm điêu khắc cổ ra thị trường đen. Phòng trưng bày đấu giá do Mafia quản lý nói trên nằm trong nhà máy xúc xích ở miền nam Italy.

Phần đầu bằng đá hoa của một bức tượng cổ La Mã trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Getty ở Los Angeles (Mỹ).
Phần đầu bằng đá hoa của một bức tượng cổ La Mã trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Getty ở Los Angeles (Mỹ).

Những bức ảnh chụp cổ vật ăn cắp được giới thiệu với Domenico Quirico, nhà báo của tờ La Stampa giả làm nhà sưu tập nghệ thuật - ông hợp tác với lực lượng cảnh sát bảo vệ di sản văn hóa Italy trong chiến dịch triệt phá mạng lưới mua bán trao đổi vũ khí và tác phẩm nghệ thuật của mafia và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang nở rộ tại miền nam Italy trong những tháng gần đây.

Phần đầu tượng cổ bằng đá hoa - có niên đại từ thời Đế quốc La Mã - được bán với giá 66.000 USD. Một bức tượng khác, lớn hơn và cổ hơn nữa, có niên đại từ thời Hy Lạp cổ đại, bán với giá hơn 1 triệu USD nhưng Quirico được bọn tội phạm đồng ý bán với giá 880.000 USD.

Chiến dịch điều tra của nhà báo Quirico cho thấy hoạt động mua bán bất hợp pháp diễn ra khá rầm rộ. Cổ vật vận chuyển trái phép vào Italy từ những chiếc tàu hàng mang cờ Trung Quốc xuất phát từ Sirte (thành phố ở Libya) cập cảng Gioia Tauro của vùng Calabria.

Gioia Tauro được coi là cảng nguy hiểm nhất ở Italy với nét đặc trưng là hàng loạt tòa nhà được xây dựng bất hợp pháp trong đó phần lớn là từ container bỏ hoang. Ndrangheta hoạt động nhiều năm tại cảng Gioia Tauro, điều hành doanh nghiệp buôn lậu ma túy lớn nhất ở châu Âu.

Bảo tàng Quốc gia ở Baghdad (Iraq) bị IS cướp phá.
Bảo tàng Quốc gia ở Baghdad (Iraq) bị IS cướp phá.

Vào giữa tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano khẳng định với tờ La Stampa điều này, đồng thời cảnh báo về hoạt động mua bán trao đổi vũ khí và cổ vật tài trợ cho IS ở Libya: "Chúng tôi đã nghiên cứu về GDP của bọn khủng bố. Những cổ vật đánh cắp là nguồn tài trợ cho IS và đóng góp cho GDP của bọn khủng bố".

Các cartel ma túy Italy mua cổ vật cướp được từ Libya để cung cấp hàng loạt vũ khí cho IS - bao gồm súng AK và súng phóng lựu từ nguồn buôn lậu vũ khí của Camorra với Nga, Moldova và Ukraine. Số vũ khí này sau đó được đưa về Libya trên cùng những con tàu hàng hay đến châu Âu để trang bị cho chiến binh khủng bố.

Tháng 9-2016, cảnh sát tài chính Italy khám phá cả một kho vũ khí của Camorra trong một chiếc xe tải đánh cắp đỗ tại một bãi đỗ xe bỏ hoang trong khu ổ chuột ngoại ô Naples - trong đó chứa nhiều bao vải đựng 8 khẩu súng ngắn, 4 khẩu súng tiểu liên, một khẩu súng trường tấn công và 650 viên đạn cùng với những bộ giảm thanh. Số vũ khí này có lẽ được chuẩn bị để buôn lậu vào Bắc Âu.


Số vũ khí của Ndrangheta bị cảnh sát Italy bắt giữ.

Số vũ khí của Ndrangheta bị cảnh sát Italy bắt giữ.

Cổ vật mua từ IS được cartel ma túy bán trên thị trường đen cho các nhà sưu tập nghệ thuật không quan tâm đến nguồn gốc của chúng. Theo cảnh sát di sản văn hoá Italy, số cổ vật đánh cắp từ Libya cuối cùng nằm trong những bộ sưu tập tư nhân ở Nga, Trung Quốc và Nhật Bản.

Tháng 4-2016, đại sứ Nga Vitaly Churkin ở Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã phát đi cảnh báo đến Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC) về việc buôn lậu cổ vật tài trợ cho khủng bố: "Khoảng 100.000 di sản văn hóa có tầm quan trọng toàn cầu, và 4.500 địa điểm khảo cổ đang nằm trong sự kiểm soát của IS ở Syria và Iraq. Lợi nhuận từ buôn bán cổ vật bất hợp pháp mang về cho IS ước khoảng 150 đến 200 triệu USD/năm". Kho tàng di sản văn hóa cổ quý giá này được buôn lậu qua con đường Thổ Nhĩ Kỳ và bán trực tiếp cho các nhà sưu tập tư nhân.

Theo nhà sử học nghệ thuật và nhà báo Luca Nannipieri, tác giả cuốn sách "Nghệ thuật khủng bố" mới được xuất bản, nhiều cổ vật đánh cướp mà IS buôn lậu cuối cùng có mặt trong những nhà bảo tàng, trường đại học và các tổ chức sau khi chúng được "rửa sạch" và được cung cấp giấy tờ giả chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Tác giả Nannipieri đã trải qua 2 năm theo dõi dấu vết một số cổ vật có nguồn gốc từ những điểm khảo cổ do IS kiểm soát. Nannipieri cũng tìm thấy bằng chứng một số ngôi mộ cổ ở Tuscany và Lazio nằm dưới sự kiểm soát của bọn buôn lậu IS.

Theo Thiên Minh (tổng hợp)

An ninh thế giới