1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lý do Triều Tiên phớt lờ đề nghị đàm phán của Hàn Quốc

(Dân trí) - Coi việc Hàn Quốc muốn cải thiện quan hệ liên Triều trong khi vẫn duy trì chính sách đối đầu là "viển vông", Triều Tiên đã bỏ qua đề nghị đàm phán khẩn cấp của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in. Các chuyên gia cho rằng có nguyên nhân sâu xa đằng sau động thái này của Bình Nhưỡng.


Triều Tiên đã không nhận lời đề nghị đàm phán của Hàn Quốc hôm 21/7. (Ảnh minh họa: Getty)

Triều Tiên đã không nhận lời đề nghị đàm phán của Hàn Quốc hôm 21/7. (Ảnh minh họa: Getty)

Trong một động thái bất ngờ, chính quyền tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đầu tuần trước đã đề nghị đối thoại với chính quyền Triều Tiên tại làng đình chiến nằm ở biên giới giữa 2 nước vào ngày 21/7.

Đề nghị của phía Hàn Quốc nhanh chóng bị lãng quên khi hạn chót trôi qua nhưng Triều Tiên vẫn không có phản hồi chính thức. Trong khi đó, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, nói rằng nếu quốc gia láng giềng không chịu từ bỏ chính sách trên thì việc Hàn Quốc hy vọng cải thiện quan hệ liên Triều sẽ chỉ là mong muốn “viển vông” và vô nghĩa.

Sean King, chuyên gia phân tích chính trị châu Á tại Mỹ, cho rằng Bình Nhưỡng cố ý phớt lờ đề nghị đàm phán của Seoul là bởi họ chỉ muốn đối thoại với Washington, một đồng minh quan trọng của Seoul.

“Chính quyền Tổng thống Moon muốn nối lại đối thoại với Triều Tiên, nhưng hiện giờ Triều Tiên không còn quá mong muốn đối thoại với người láng giềng như trước kia”, chuyên gia King nói. Chuyên gia này viện dẫn lý do hiện giờ nền kinh tế của Triều Tiên đã vững vàng hơn trước.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng dường như chỉ tập trung vào khả năng đàm phán trực tiếp với Mỹ, đồng minh đang bảo vệ an ninh cho Hàn Quốc. “Với vũ khí hạt nhân, hiện giờ Bình Nhưỡng cho rằng họ có thể đàm phán trực tiếp với Washington”, chuyên gia King nói.

Dr Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện nghiên cứu Lowy, cũng cho rằng, hiện giờ Hàn Quốc không còn quan trọng với chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un như dưới thời cố lãnh đạo Kim Jong-il khi mà Bình Nhưỡng vẫn dựa vào cứu trợ nhân đạo từ Seoul.

Ông Graham cho rằng, vòng đàm phán liên Triều đầu tiên là một bước ngoặt lớn nhưng quan hệ giữa hai bên đã xuống cấp nhanh chóng sau đó bất chấp vòng hội đàm thứ 2 vào năm 2007. Mối quan hệ này hiện giờ thậm chí ở tình trạng “đóng băng”.

Theo chuyên gia Graham, Tổng thống đương nhiệm Hàn Quốc muốn đối thoại nhưng phải đi kèm điều kiện, một trong số đó là Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Đó không phải là điều mà chính quyền của ông Kim Jong-un có ý định tuân thủ bởi nó chính là quân bài để Bình Nhưỡng gây sức ép đàm phán với Mỹ. Ông cho rằng, chính quyền Triều Tiên dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ không bao giờ ngồi vào bàn đàm phán cho tới khi chương trình hạt nhân hoàn thiện.

Minh Phương

Theo The Australian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm