1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lý do tàu sân bay Mỹ chưa tiến vào Vịnh Ba Tư đối đầu Iran

(Dân trí) - Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ vẫn hoạt động trên biển Ả rập thay vì tiến vào Vịnh Ba Tư để đáp trả mối đe dọa từ Iran như tuyên bố trước đó.

Máy bay chiến đấu Mỹ cất cánh từ tàu sân bay Abraham Lincoln trên biển Ả rập

Lý do tàu sân bay Mỹ chưa tiến vào Vịnh Ba Tư đối đầu Iran - 1

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln trên biển Ả rập ngày 17/5. (Ảnh: Reuters)

Hãng tin Fars News của Iran ngày 5/6 đưa tin lý do khiến Mỹ buộc phải để tàu sân bay hoạt động ở bên ngoài phạm vi của Vịnh Ba Tư là vì lo ngại mối đe dọa từ tên lửa Iran.

“Khó khăn khi phải đối mặt với những diễn biến quân sự tại Vịnh Ba Tư và sự răn đe của Iran là lý do khiến nhóm tác chiến tàu sân bay Lincoln phải ở cách xa 720km khỏi khu vực căng thẳng bên ngoài eo biển Hormuz, bởi vì các tên lửa của Iran là mối đe dọa thực sự đối với sự an toàn của các tàu chiến và tàu sân bay Mỹ”, Fars News bình luận.

Truyền thông Mỹ gần đây đưa tin sau nhiều tuần được triển khai tới khu vực Trung Đông, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln vẫn hoạt động trên biển Ả rập và chưa đi qua eo biển Hormuz để tiến vào Vịnh Ba Tư như tuyên bố trước đó của sĩ quan chỉ huy tàu này.

Theo AP, vị trí của USS Abraham Lincoln cách bờ biển Oman khoảng 320km. Truyền thông Iran cho biết nước này dự đoán tàu sân bay của Mỹ sẽ thực hiện hành trình tới Bahrain, tuy nhiên tàu này cho đến nay vẫn chưa di chuyển.

Theo Fars News, Mỹ muốn tránh leo thang căng thẳng với Iran khi chưa đưa tàu sân bay vào Vịnh Ba Tư. Động thái này của Washington có thể làm giảm bớt nguy cơ xảy ra chiến tranh trong khu vực.

“Lầu Năm Góc di chuyển tàu sân bay Lincoln ở ngoài khơi vùng biển Vịnh Ba Tư vì rất khó bảo vệ được tàu sân bay này trong vùng biển nhỏ hơn như vùng Vịnh”, Fars News nhận định, đồng thời cho rằng một tàu sân bay sẽ dễ dàng hơn trong việc đối phó với các mối đe dọa như tàu ngầm nếu hoạt động ở ngoài đại dương.

Truyền thông Iran cho biết quyết định của Mỹ khi duy trì tàu sân bay ở khoảng cách như vậy là do lo ngại năng lực tên lửa của Iran. Các tên lửa này có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 500km.

“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một tàu sân bay Mỹ tới gần Vịnh Ba Tư nhưng không neo đậu tại căn cứ ở Bahrain”, Fars News cho biết.

Lý do tàu sân bay Mỹ chưa tiến vào Vịnh Ba Tư đối đầu Iran - 2

Bản đồ khu vực eo biển Hormuz (Ảnh: BBC)

Hải quân Iran không thực sự quá mạnh. Hồi tháng 2, Iran đã tiến hành cuộc tập trận hải quân tại Vịnh Ba Tư và gần eo biển Hormuz với sự tham gia của máy bay không người lái, tên lửa, tên lửa chống hạm, tàu ngầm phóng tên lửa hành trình và ngư lôi. Tuy nhiên, một cựu quan chức Mỹ từng cảnh báo nếu xảy ra xung đột, hải quân Iran dễ dàng bị đánh bại.

Các sĩ quan chỉ huy trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln đã nói với AP rằng từ vị trí hoạt động hiện tại trên biển Ả rập, Mỹ vẫn có thể phản ứng nhanh chóng với bất kỳ mối đe dọa nào trong khu vực.

“Chúng tôi không muốn vô tình leo thang căng thẳng”, Putnam Browne, sĩ quan chỉ huy tàu sân bay Lincoln, cho biết.

Khi được hỏi về lý do không đưa tàu sân bay USS Abraham Lincoln đi qua eo biển Hormuz, chuẩn đô đốc John FG Wade, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Lincoln, nói rằng lực lượng của ông có thể thực hiện mệnh lệnh “bất kể nơi nào và bất kỳ khi nào cần thiết”. Ông Wade thừa nhận Iran đã tạo ra “mối đe dọa” thực sự trong khu vực.

“Họ không chỉ tạo ra mối đe dọa đối với các chiến dịch của chúng tôi, mà còn đe dọa sự an toàn và an ninh của hoạt động thương mại qua eo biển Hormuz và đó là lý do chúng tôi có mặt ở đây”, Đô đốc Wade cho biết.

Theo giới phân tích, việc Mỹ đưa tàu chiến đi qua eo biển Hormuz, nơi có khu vực hẹp nhất chỉ rộng khoảng 33km, sẽ khiến các tàu này lọt vào tầm ngắm của lực lượng hải quân thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Lực lượng này có thể dễ dàng phóng hỏa lực từ tên lửa, súng máy và máy bay không người lái nhằm vào các tàu Mỹ.

Lý do Mỹ triển khai tàu sân bay

Lý do tàu sân bay Mỹ chưa tiến vào Vịnh Ba Tư đối đầu Iran - 3

Máy bay và các thủy thủ trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln tại biển Ả rập (Ảnh: Reuters)

Một tháng sau khi triển khai tàu sân bay tới Trung Đông để ứng phó với thông tin do tình báo Mỹ cung cấp, rằng Iran đang chuẩn bị tấn công lực lượng quân sự Mỹ, căng thẳng quân sự tới nay dường như đã hạ nhiệt.

“Có vẻ như căng thẳng đã giảm bớt một chút, tuy nhiên chúng tôi vẫn theo dõi rất chặt chẽ, chúng tôi sẽ không lơ là, chúng tôi vẫn cảnh giác”, một quan chức quốc phòng nói với CNN.

Mặc dù các quan chức Mỹ vẫn chưa công bố thông tin tình báo nào khiến họ phải triển khai tàu sân bay cũng như các tên lửa phòng không tới Trung Đông, song các thông tin mới xuất hiện đã hé lộ phần nào lý do khiến Washington lo lắng tới mức phải tiến hành triển khai nhanh chóng, bắt đầu từ ngày 3/5.

Một số quan chức cho biết sau khi Mỹ gửi các tin nhắn ban đầu tới Iran thông qua một bên thứ ba, Lầu Năm Góc nhận được thông tin tình báo nói rằng chính quyền Iran không thực sự coi những lời cảnh báo của Washington là vấn đề nghiêm túc. Theo đó, Mỹ đã quyết định tiến hành bước tiếp theo đó là công bố thông tin triển khai lực lượng quân sự tới Trung Đông.

Cả Mỹ và Iran đều chưa dừng các tuyên bố cứng rắn nhằm vào nhau. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei ngày 4/6 cảnh báo Mỹ “phải tránh xa” khu vực, trong khi Tổng thống Donald Trump tuần này tuyên bố “vẫn có khả năng” xảy ra chiến tranh với Iran.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm