1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vịnh Ba Tư "dậy sóng" khi Mỹ - Iran leo thang căng thẳng

(Dân trí) - Iran đã quyết định không theo đuổi chính sách “kiên nhẫn chiến lược” như nước này đã từng thực hiện trước đây sau hàng loạt động thái cứng rắn của Mỹ tại vịnh Ba Tư.

Vịnh Ba Tư dậy sóng khi Mỹ - Iran leo thang căng thẳng - 1

Các máy bay được Mỹ triển khai tới biển Ả rập gần Iran hôm 18/5. (Ảnh: Reuters)

Tại vịnh Ba Tư, sự hiện diện của tàu sân bay Hải quân Mỹ USS Abraham Lincoln ở ngoài khơi bờ biển Iran đã phát đi một tín hiệu cứng rắn. Tại Levant, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng bắt đầu xem xét phiên bản của Washington về một kế hoạch hòa bình đang được chờ đợi dành cho Israel và Palestine.

Theo CNN, trong cùng một thời điểm, Mỹ dường như vừa “khua chiêng múa trống” kích động chiến tranh vừa chìa “cành ô liu” kêu gọi hòa bình ở hai khu vực cách nhau vài trăm dặm.

Tuy vậy, những sự kiện tại vùng Levant và vịnh Ba Tư có thể là hai mặt của một đồng xu. Cả hai đều nhắm tới mục tiêu buộc các bên được trang bị vũ trang mạnh mẽ trong khu vực chấp thuận các yêu cầu cứng rắn của Mỹ và các đồng minh. Cả hai cũng đều tiềm ẩn nguy cơ đẩy những căng thẳng kéo dài suốt nhiều thập niên trong khu vực sang một chương mới bạo lực hơn.

Theo nhận định của các chuyên gia kỳ cựu, những sự kiện xảy ra gần đây tại vịnh Ba Tư đã đẩy khu vực này lún sâu vào nguy hiểm. Sự leo thang căng thẳng giữa Iran và Mỹ, cũng như các đồng minh của Washington, có thể dễ dàng vượt tầm kiểm soát. Tuy vậy, Tổng thống Trump vẫn đẩy mạnh nỗ lực đưa Iran vào bàn đàm phán.

Khi Tổng thống Trump lần đầu tiên tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran vào năm 2018, ông đã chỉ trích đây là một “thỏa thuận tồi” và bóp nghẹt nền kinh tế của Iran bằng hàng loạt lệnh trừng phạt. Chính quyền Iran đã phản ứng theo cách mà các chuyên gia gọi là “sự kiên nhẫn chiến lược”.

Các nhà ngoại giao Iran đã cố gắng lôi kéo sự ủng hộ của châu Âu để giữ cho thỏa thuận hạt nhân không bị tan vỡ. Trong khi đó, Iran cũng bằng mọi cách tuân thủ thỏa thuận. Tuy vậy vào ngày 8/5, đúng một năm sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận, mọi chuyện đã thay đổi.

Vào tháng 4 năm nay, ông Trump tăng cường gây sức ép lên Iran khi xóa bỏ quyền miễn trừ nhập khẩu dầu từ Iran. Đây vốn được xem là “phao cứu sinh” cho một đất nước đang vật lộn với các lệnh trừng phạt như Iran. Ngoài ra, ông Trump cũng thông báo kế hoạch triển khai tàu sân bay USS Abraham Lincoln tới khu vực. Tàu sân bay này bắt đầu khởi hành tới vịnh Ba Tư vào ngày 5/5.

Vịnh Ba Tư “dậy sóng”

Vịnh Ba Tư dậy sóng khi Mỹ - Iran leo thang căng thẳng - 2

Dàn máy bay trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln tại biển Ả rập (Ảnh: Reuters)

Thay vì chấp nhận các động thái của Mỹ, Iran lần này đã phản kháng. Tehran thông báo dừng một phần cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, đồng thời tuyên bố sẽ tăng cường làm giàu uranium - một bước đi quan trọng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Một loạt những “điểm nóng” trong khu vực cũng bắt đầu tăng nhiệt.

“Mục đích chính của chiến dịch gây sức ép tối đa là cưỡng ép về kinh tế. Bằng việc áp đặt gần 1.000 tiêu chí trừng phạt, gắn mác “tổ chức khủng bố nước ngoài” đối với Lực lượng Vệ binh Cách mạng (quân đội Iran) và cắt nguồn xuất khẩu dầu mỏ của Iran… Mỹ hy vọng rằng Iran có thể quay trở lại bàn đàm phán”, Naysan Rafati, nhà phân tích Iran tại tổ chức Crisis Group, nhận định.

“Tuy nhiên những gì chúng ta thấy là phản ứng của Iran trên mặt trận hạt nhân và nguy cơ rủi ro luôn hiện hữu nếu Iran phản ứng. Dường như Iran muốn nói rằng “các ông có thể gây sức ép mạnh mẽ với chúng tôi về kinh tế, nhưng chúng tôi cũng có những quân bài để chơi””, nhà phân tích Ratafi cho biết.

Hiện chưa rõ Iran đã kích hoạt mạng lưới các nhóm vũ trang do nước này hậu thuẫn trong khu vực để thay mặt Tehran hành động hay chưa. Tuy nhiên, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất gần đây đã thông báo về một vụ tấn công nhằm vào 4 tàu chở dầu của nước này ở ngoài khơi thành phố cảng chiến lược Fujairah. Iran đã lên tiếng phủ nhận không liên quan tới vụ việc này.

Tại Yemen, các tay súng nổi dậy do Iran hậu thuẫn đã tiến hành một cuộc tấn công đầu tiên vào đường ống dẫn dầu của Ả rập Xê út. Trong khi đó, một tên lửa đã được phóng tới Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad, Iraq - nơi Mỹ đặt đại sứ quán.

“Chúng tôi chắc chắn có một chuỗi leo thang. Rõ ràng, sự kiên nhẫn chiến lược của Iran đã nhường chỗ cho sự mất kiên nhẫn chiến lược”, nhà phân tích Rafati nói thêm.

Hiện chưa rõ viễn cảnh kết thúc cho tình hình căng thẳng hiện nay. Iran đã khước từ đề xuất đàm phán của Tổng thống Trump. Nền kinh tế đang bị bóp nghẹt bởi các lệnh trừng phạt, trong khi bất đồng chính trị ngày càng gia tăng, buộc Tehran phải hành động.

Chính phủ Iran cảnh báo rằng Mỹ không nên thử thách họ và Tehran không muốn chiến tranh. Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington cũng không muốn chiến tranh, nhưng Tổng thống Trump vẫn cảnh báo “cái kết chính thức cho Iran” trong trường hợp xảy ra xung đột.

“Ngay cả khi mục đích của Mỹ không nhằm kích động một cuộc xung đột vũ trang, nhưng căng thẳng càng leo thang thì càng có nhiều cơ hội mắc sai lầm, và nếu có chuyện gì đó xảy ra, mọi thứ có thể vượt ngoài tầm kiểm soát rất nhanh”, cựu Bộ trưởng Hải quân và đại sứ Mỹ tại Ả rập Xê út Ray Mabus nhận định.

“Tôi nghĩ chúng ta đang ở gần hơn rất nhiều (với kịch bản chiến tranh), hơn hẳn so với thời điểm chúng ta đàm phán hiệp ước hạt nhân khi mọi thứ còn đang hoạt động hiệu quả. Bây giờ chúng ta có một vị tổng thống đã rút ra khỏi thỏa thuận và tuyên bố “Tôi có thể đưa ra một thỏa thuận tốt hơn”. Nhưng ông ấy chưa làm được điều đó. Thực tế, ông ấy càng làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn”, cựu đại sứ Mabus nói.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm