1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lý do phần lớn dàn siêu tăng Leopard 2 của Ukraine nằm "đắp chiếu"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Phần lớn những xe tăng hiện đại Leopard 2 của Ukraine đang trong tình trạng không thể tác chiến vì Kiev và đồng minh đang thiếu nghiêm trọng linh kiện để sửa chữa chúng.

Lý do phần lớn dàn siêu tăng Leopard 2 của Ukraine nằm đắp chiếu - 1

Xe tăng Leopard 2 của Ukraine sau khi được sửa chữa ở Litva (Ảnh: Forbes).

Theo nền tảng tình báo nguồn mở Oryx, sau một năm chiến đấu kể từ khi nhận được những chiếc xe Leopard 2 đầu tiên do Đức sản xuất, Ukraine đã mất ít nhất 12 chiếc.

Tuy nhiên, thiệt hại này không phải là lý do mà quân đội Ukraine chật vật trong việc huy động các xe Leopard 2 vào thời điểm hiện tại. Ukraine có nhiều xe tăng Leopard 2 bị hư hỏng hơn là những xe bị phá hủy và đây chính là vấn đề mà Ukraine phải đối mặt.

Về mặt lý thuyết, Leopard 2 có thể bị tấn công, rồi được sửa chữa để tiếp tục tấn công. Đây là một xe tăng tương đối mạnh mẽ, cấu tạo chắc chắn và quy trình trên có thể lặp đi lặp lại nhiều lần. Tuy nhiên, điểm khiến Ukraine gặp khó khăn chính là ở chỗ họ đang thiếu hàng loạt linh kiện để sửa những cỗ máy chiến đấu này.

Ukraine bắt đầu cuộc phản công vào mùa hè năm ngoái với 50 chiếc Leopard 2A4, 10 chiếc Strv 122 bọc thép nâng cấp - biến thể Thụy Điển của chiếc Leopard 2A5 - và 18 chiếc Leopard 2A6 có thêm lớp giáp và pháo nòng trơn 120mm.

Về mặt nguyên tắc, Ukraine hiện còn ít nhất 59 chiếc Leopard 2 vẫn còn có thể chiến đấu. Tuy nhiên, trong thực tế, hàng chục chiếc đang bị hỏng và trong tình trạng "đắp chiếu" chờ sửa chữa. Khi kênh truyền hình Đức NTV tới thăm một trung đội Leopard 2A6 trong tháng này, chỉ có 1 trong 4 xe tăng của đơn vị này sẵn sàng chiến đấu.

Trước đó, nghị sĩ Đức Sebastian Schäfer đã tới Litva để thăm xưởng sửa chữa Leopard 2A6 và Strv. Ông thừa nhận, Ukraine hiện chỉ sử dụng được rất ít xe tăng Leopard 2 vì tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng linh kiện để sửa chữa ở cả trên tiền tuyến và tại những cơ sở bảo trì xe tăng.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên đối với giới quan sát, vì trong hàng chục năm qua, kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Đức đã không đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động quốc phòng, nên họ thiếu linh kiện và bộ phận sửa chữa sẵn có để có thể sử dụng nhanh chóng. 

Ngoài ra, trong một số trường hợp, Ukraine đã cố gắng tìm cách sửa các xe tăng này nhưng chỉ gây ra thiệt hại lớn hơn cho Leopard 2 vì đây là vũ khí rất hiện đại và phức tạp. 

Để tìm cách khắc phục tình huống, Ukraine đã tháo các bộ phận còn sử dụng được trên những chiếc Leopard 2 đã "vô phương cứu chữa" để đưa chúng tới Litva và Ba Lan, nơi đặt các cơ sở sửa chữa.

Do thiếu thốn vật tư, nên quy trình sửa chữa xe tăng có thể kéo dài rất lâu để Leopard 2 có thể được đưa lại ra chiến trường.

Đức và Ukraine đã nắm được vấn đề. Đây là lý do mà gói viện trợ gần đây của Đức tới Ukraine đã bao gồm một lô linh kiện cho xe tăng Leopard 2.

Về lâu dài, nếu cuộc chiến tiêu hao còn tiếp diễn, Đức sẽ phải đảm bảo sản xuất với số lượng lớn linh kiện xe tăng với tần suất đều đặn và nhất quán để đẩy nhanh việc sửa xe tăng. Đây có thể là một thách thức với Berlin vì họ sẽ buộc phải cơ cấu lại nguồn lực của ngành công nghiệp quốc phòng cả về nguyên liệu, nguồn nhân lực để thích ứng.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine