Lý do ông Tập Cận Bình cử “cánh tay phải” tới Triều Tiên
(Dân trí) - Thay vì đích thân tới Triều Tiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điều quan chức được xem là cánh tay phải của ông sang quốc gia láng giềng trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Bình Nhưỡng đang lâm vào thế bế tắc.
Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư, quan chức quyền lực thứ 3 trong Bộ Chính trị Trung Quốc, sẽ tới Triều Tiên vào ngày 8/9. Ông Lật được xem là cánh tay phải của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Lật sẽ tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên vào ngày 9/9. Chuyến đi của chủ tịch Quốc hội Trung Quốc tới Triều Tiên là dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng ông Tập Cận Bình sẽ không tới Triều Tiên như các thông tin do truyền thông đăng tải trước đó.
Ông Lật Chiến Thư sẽ trở thành quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc thăm Triều Tiên kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012. Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) cũng đã xác nhận thông tin về chuyến thăm của chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, song không nói rõ ông Lật sẽ ở lại Triều Tiên trong thời gian bao lâu.
Thông tin về chuyến thăm của ông Lật Chiến Thư tới Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc cản trở tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng thời cho rằng Bắc Kinh vẫn đang viện trợ đáng kể cho Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo Mỹ hồi cuối tháng 8 nói rằng ông không tin Trung Quốc “đang giúp sức cho tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên” như Bắc Kinh từng làm trước đây.
Ông Lật Chiến Thư tới Triều Tiên khi mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6. Cuối tháng 8, ông Trump đã hủy chuyến đi được lên kế hoạch từ trước của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Triều Tiên. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng tuyên bố chấm dứt việc đình chỉ các hoạt động tập trận chung với đồng minh Hàn Quốc sau nhiều tháng tạm hoãn.
Năm ngoái, mối quan hệ giữa Triều Tiên và đồng minh thân cận Trung Quốc đã xấu đi khi Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng do các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa. Tuy vậy, mối quan hệ này đã ấm dần lên trong năm nay khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm Trung Quốc 3 lần kể từ tháng 3.
Suy tính của Trung Quốc
Một quan chức Triều Tiên hồi tháng 7 đã tiết lộ với truyền thông Hàn Quốc rằng Bình Nhưỡng đã mời Chủ tịch Tập Cận Bình tới lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh. Tuy nhiên ông Tập Cận Bình rốt cuộc đã không tới Triều Tiên. Giới phân tích cho rằng việc cử ông Lật Chiến Thư sang quốc gia láng giềng là sự sắp xếp “phù hợp nhất” của Trung Quốc.
“Trong bối cảnh ông Trump đang tăng cường giọng điệu chỉ trích Trung Quốc về thương mại và Triều Tiên, việc ông Tập Cận Bình tới Bình Nhưỡng có thể sẽ càng củng cố thêm suy nghĩ (của ông Trump) rằng Bắc Kinh chưa đủ nhiệt tình trong vấn đề phi hạt nhân hóa (Triều Tiên). Trong khi đó, việc cử ông Lật như một quan chức đại diện cấp cao (tới Bình Nhưỡng) được xem như một động thái thiện chí (của Trung Quốc) với Triều Tiên, trong khi vẫn tránh suy nghĩ của ông Trump”, Zhang Baohui, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Lingnan ở Hong Kong, nhận định.
Chuyên gia Boo Seung-chan tại Viện Nghiên cứu Triều Tiên Yonsei ở Seoul cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã đưa ra một quyết định chiến lược khi bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc bằng cách cố gắng cải thiện quan hệ với Mỹ.
“Nếu ông Tập Cận Bình vẫn tới Bình Nhưỡng ngay cả khi ông Trump đã cảnh báo, điều đó sẽ khiến cho vấn đề áp thuế của Mỹ với Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn”, chuyên gia Boo nói, đề cập tới cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh khi hai nước liên tục áp thuế lên hàng tỷ USD hàng hóa của nhau.
Theo chuyên gia Boo, nếu ông Tập Cận Bình một mực tới Triều Tiên và đi ngược lại với mong muốn của Mỹ trong việc “gây sức ép” với Bình Nhưỡng, Washington có thể tiến hành thêm các động thái thương mại cứng rắn, từ đó khiến Bắc Kinh càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc theo đuổi các mục tiêu của mình.
“Tuy nhiên, việc đó (ông Tập Cận Bình không tới Triều Tiên) không có nghĩa là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên sẽ xấu đi. Ông Tập đã cẩn trọng lựa chọn cánh tay phải, người mà ông tin tưởng (tới Triều Tiên), điều đó sẽ cho Bình Nhưỡng thấy rằng (mối quan hệ song phương) vẫn quan trọng với Bắc Kinh. Chiến lược của Trung Quốc không thay đổi, do vậy mối quan hệ và chính sách của Trung Quốc với Triều Tiên cũng không thay đổi”, chuyên gia Boo cho biết thêm.
Lễ kỷ niệm Quốc khánh 9/9 là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Triều Tiên, bên cạnh ngày sinh nhật của hai cố lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.
Theo Lu Chao, chuyên gia về Triều Tiên tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, việc ông Tập Cận Bình cử Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư tới lễ kỷ niệm Quốc khánh Triều Tiên là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn muốn duy trì động lực trong việc phát triển mối quan hệ với Triều Tiên dù ông Tập Cận Bình không có mặt tại sự kiện.
“Chuyến thăm (của ông Lật) đồng nghĩa với việc Trung Quốc vẫn duy trì mối quan hệ với đảng và nhà nước Triều Tiên ở cấp cao, và là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Trung Quốc đối với chiến lược của Triều Tiên”, ông Lu nhận định.
Chuyên gia Lu cho rằng Bình Nhưỡng dường như đang tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc để giảm nhẹ các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên. Mặt khác, Trung Quốc vẫn thúc đẩy Triều Tiên có các bước đi cụ thể hơn trong vấn đề phi hạt nhân hóa.
Theo Michael Kovrig, nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Bắc Á tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, ông Lật Chiến Thư có đủ năng lực chính trị và kinh nghiệm đối ngoại để hiểu rõ về cách tiếp cận của Triều Tiên trong các cuộc đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc. Ông Kovrig cho rằng chuyến đi của ông Lật tới Triều Tiên cho thấy hình ảnh của Bình Nhưỡng đã được cải thiện trong mắt Trung Quốc.
Thành Đạt
Theo SCMP