1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thế khó của ông Tập Cận Bình

Các mục tiêu từ cuộc tấn công thương mại của Nhà Trắng đã đụng chạm đến những điểm nhạy cảm trong chính sách quản lý của người đứng đầu Bắc Kinh.

Sự bế tắc được dự báo từ trước của các vòng đàm phán thương mại gần đây nhất giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) đã cho thấy một điểm quan trọng: Cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang khiến Chủ tịch TQ Tập Cận Bình không thể nào đạt được thỏa thuận, Bloomberg bình luận. Trừ khi ông chủ Nhà Trắng nghĩ lại về quan điểm của mình, cuộc đối đầu về thuế quan giữa hai nước sẽ còn kéo dài dai dẳng.

Hai yêu cầu với ông Tập

Nhà Trắng dường như đã bỏ qua một thực tế quan trọng về đất nước TQ giai đoạn hiện đại. Ông Tập đã không ngừng củng cố quyền lực khi lãnh đạo Bắc Kinh, điển hình là các sáng kiến kinh tế và ngoại giao của TQ thời gian qua đã gắn liền mật thiết với hình ảnh cá nhân của ông. Trong chính sách đối ngoại, ông Tập đã xây dựng hình ảnh một lãnh đạo đại diện cho các lợi ích toàn cầu của TQ, đồng thời dường như không còn “ẩn mình chờ thời”. Trái lại, ông Tập quyết đoán, sẵn sàng đối đầu phương Tây, khôi phục hình ảnh TQ hùng mạnh trong vai trò cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Trở thành lãnh đạo TQ từ năm 2012, ông Tập hứa hẹn “Giấc mơ Trung Hoa” - tương lai thịnh vượng với vô số cơ hội mới.

Những hình ảnh về một TQ ngày càng trỗi dậy và hùng mạnh được chính quyền Tập Cận Bình xây dựng tỉ mỉ nhưng buộc ông Tập cùng lúc duy trì hai yêu cầu. Một là ông Tập phải tránh thất bại trên chính trường quốc tế, đặc biệt trước các cường quốc phương Tây. Thứ hai, ông Tập phải giữ cho nền kinh tế TQ đạt tăng trưởng cao, đồng thời phải tạo ra nhiều công ăn việc làm cũng như gia tăng thu nhập cho người dân.

Hai yêu cầu quan trọng này dường như trở thành yếu tố thúc đẩy ông Tập có thể sớm đi đến một thỏa thuận thương mại với chính quyền ông Trump. Bởi lẽ các mức thuế nhập khẩu của Mỹ nhắm vào hàng của TQ sẽ gây ra thiệt hại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (dẫu ít hay nhiều) trong bối cảnh thời gian qua tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu chững lại nhiều và nền kinh tế TQ cũng mắc nợ nặng nề (nhất là hệ thống doanh nghiệp nội địa của TQ, hay còn được gọi là các doanh nghiệp “thây ma”).


Cuộc đối đầu giữa ông Trump (phải) và ông Tập dự kiến sẽ còn kéo dài. Ảnh: GETTY

Cuộc đối đầu giữa ông Trump (phải) và ông Tập dự kiến sẽ còn kéo dài. Ảnh: GETTY

Tuy nhiên, những tính toán của Bắc Kinh lại cho thấy một khả năng ngược lại - một thỏa thuận kinh tế với Mỹ sẽ rất “nguy hiểm” với ông Tập. Về mặt kinh tế, Chủ tịch TQ đã tăng gấp đôi tiềm lực cho các chiến lược kinh tế do nhà nước dẫn đầu mà đa số đều là các chính sách công nghiệp nhằm nâng cấp các công ty sản xuất và công nghệ, thể hiện qua chương trình đầy tham vọng “Made in China 2025”. Những chính sách công nghiệp này là mục tiêu tấn công chủ chốt của ông Trump vì Mỹ tin rằng các công ty TQ đang được cung cấp những lợi thế cạnh tranh không công bằng trên thị trường toàn cầu.

Điều này có nghĩa ông Tập sẽ khó có thể chấp nhận đàm phán về các chính sách công nghiệp của TQ - điều mà ông rất tự hào. Các chính sách sản xuất và công nghiệp không chỉ rất quan trọng đối với chương trình nghị sự của Bắc Kinh mà còn liên quan rất nhiều đến thông điệp chính trị quan trọng của ông Tập. Đó là lý do các quan chức TQ đã cố gắng tập trung đàm phán với Mỹ về những vấn đề ít nhạy cảm hơn, chẳng hạn như giảm thâm hụt thương mại với Washington. Ví dụ, việc TQ đồng ý mua thêm đậu nành từ Mỹ sẽ không làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của ông Tập. trong khi cắt giảm chương trình công nghiệp chắc chắn sẽ để lại hậu quả mà các nhà lãnh đạo TQ không mong muốn.

Bắc Kinh không có nhiều chọn lựa

Chính vì cách tiếp cận không từ bỏ tham vọng sản xuất và công nghiệp, các cuộc đàm phán với Washington trở thành “bãi bom mìn” ngoại giao với Bắc Kinh. Nói cách khác, các đ?ng th?i ộng thái mang tính “bỏ bom” như hiện nay của chính quyền Trump không cho ông Tập nhiều sự lựa chọn thỏa thuận.

Ngoài việc cam kết tăng nhập khẩu hàng Mỹ đã bị ông Trump “lắc đầu”, bất kỳ nhượng bộ nào khác đều có thể được ví như sự nhún nhường của TQ trước sức ép của Mỹ - một đòn tấn công trực tiếp vào uy tín của ông Tập. Điều này càng đưa ông Tập vào giai đoạn khó khăn khi sáng kiến quốc tế lớn nhất của ông - dự án “Một vành đai, một con đường” - đang gặp rất nhiều chỉ trích. Chỉ trong tuần qua, tân thủ tướng Malaysia đã quyết định trì hoãn các dự án do TQ hỗ trợ trong khi Malaysia đang nắm giữ một vị trí chiến lược trong triển khai sáng kiến quan trọng này.

Tất nhiên, ông Tập sẽ chỉ xem xét và thận trọng về ý kiến của công chúng với sự lãnh đạo của ông đến một chừng mực nhất định. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo Bloomberg, ông Tập đang duy trì một thỏa thuận ngầm với người dân TQ: Chấp nhận sự lãnh đạo của ông và ngược lại, ông giúp TQ trở thành một siêu cường giàu có và được nể trọng. Như vậy, Bắc Kinh nhượng bộ dễ dàng trước Washington, ông Tập sẽ “khó ăn nói” trước công chúng TQ, làm suy yếu quyền lực lãnh đạo của ông Tập.

Dẫu vậy, Washington trong lúc khai thác khó khăn của ông Tập cũng gặp thách thức riêng. Trong bối cảnh ông Trump vướng vào nhiều rắc rối trong nền chính trị Mỹ , các sức ép hiện tại từ Washington chưa đủ để ông Tập thay đổi quan điểm bảo vệ nền công nghiệp sản xuất của TQ. Ưu thế đàm phán của ông Trump có thể sẽ suy yếu theo thời gian, sẽ mang lại lợi thế đàm phán cho TQ. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung về thực chất đang mang đậm dấu ấn bản sắc chính trị hơn là xung đột lợi ích kinh tế thông thường.

Theo Hoàng Phú

Pháp luật TP. HCM