Lý do Mỹ rút tàu chiến gần Ukraine ngay trước khi Nga mở chiến dịch quân sự
(Dân trí) - Mỹ đã rút các tàu chiến khỏi Biển Đen hồi tháng 1 năm nay, ngay trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Tại một cuộc họp báo ngày 30/3, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Hải quân Mỹ định kỳ đưa tàu chiến đến và đi khỏi Biển Đen, và quyết định rút 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke hồi tháng 1, không lâu trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
"Chúng tôi đưa tàu chiến đến và đi khi cần thiết. Đó là quyết định khôn ngoan khi chúng tôi tiếp tục nhận thấy nguy cơ một cuộc xung đột ở Ukraine sắp xảy ra", ông John Kirby nói.
Ông nhấn mạnh, rút tàu chiến là quyết định khôn ngoan vào thời điểm đó để mọi người thấy rõ rằng quyết định triển khai tàu chiến của Mỹ không liên quan hay khơi mào một cuộc chiến.
Bình luận được đưa ra sau khi chỉ huy Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Âu, tướng Tod Wolters, cho biết Mỹ đã rút hai tàu chiến ở Biển Đen do tình hình ở Ukraine có chiều hướng diễn biến nghiêm trọng. Tướng Wolters cho hay, hiện không có tàu chiến nào của Mỹ ở Biển Đen, nhưng Washington nên triển khai trở lại "sớm nhất có thể". Hiện tại, quân đội Mỹ chỉ điều động máy bay quân sự hoạt động ở khu vực phía Nam và phía Bắc Biển Đen.
Ông Kirby nói, hiện chưa có thông tin khi nào các tàu chiến của Mỹ trở lại Biển Đen, quyết định này sẽ được đưa ra "vì lợi ích tốt nhất cho an ninh quốc gia của Mỹ cũng như của các đồng minh và đối tác".
Trước khi chiến sự nổ ra, Mỹ đã định kỳ điều tàu chiến đến Biển Đen trong một động thái nhằm thể hiện sự ủng hộ với Ukraine và trấn an các đồng minh trong khu vực. Nga chính thức mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2 với tuyên bố "phi phát xít hóa" và "phi quân sự hóa" Ukraine.
Kể từ đó đến nay, Mỹ nhiều lần khẳng định sẽ không triển khai binh sĩ đến Ukraine cũng như phản đối việc lập vùng cấm bay ở nước này do lo ngại nguy cơ xung đột trực tiếp với Moscow. Thay vào đó, Mỹ và các đồng minh tiếp tục cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân giúp Ukraine đối phó các cuộc tiến công của Nga, trong đó chủ yếu gồm các tên lửa phòng không và tên lửa chống tăng vác vai.
Nga chỉ trích việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine là hành động nguy hiểm và tuyên bố bất cứ xe chở vũ khí nào của nước ngoài cho Ukraine đều có thể trở thành "mục tiêu hợp pháp" của lực lượng Nga. Moscow cũng báo bất cứ nỗ lực nào từ bên ngoài nhằm can thiệp vào chiến sự Ukraine có thể đối mặt với những hậu quả chưa từng có.
Sau một tháng kể từ khi phát động chiến dịch, Nga thông báo đã hoàn tất mục tiêu giai đoạn một của chiến dịch và chuyển trọng tâm sang giải phóng vùng ly khai Donbass ở miền Đông Ukraine. Giới phân tích dự đoán, việc Moscow thay đổi chiến lược có thể là tín hiệu cho thấy một cuộc chiến mới nghiêm trọng hơn ở phía Đông Ukraine.